Trong bài post trước, mình đã chia sẻ về giấc mơ du học của mình đã được hình thành như thế nào. Trong bài post này, mình sẽ chia sẻ về con đường đi học của mình. Vì mình là dân kỹ thuật và chỉ theo học hệ sau đại học, nên những kinh nghiệm của mình sẽ không phù hợp với những bạn ở lĩnh vực khác hay cấp học khác.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Khi đã xác định đi sẽ học thạc sĩ ở châu Á, thì hai thị trường dễ nhất là Hàn và Đài (so với Nhật, Sing, Hongkong). Đi Hàn thì phần lớn là học bổng giáo sư, chịu khó cày cuốc trên lab để sau có 1 tương lai tươi sáng hơn. Còn Đài thì hầu hết là học bổng trường, tạm đủ chi phí ăn ở. Thế là mình bắt đầu đi tìm kiếm các giáo sư ngành mình ở Hàn và Đài (mình sẽ có chia sẻ về cách tìm kiếm thông tin giáo sư trong 1 post khác). Song song với đó, tìm kiếm luôn cả thông tin về các trường đại học, xem xếp hạng của các trường đó ra làm sao... Dẫu có đi nước nào đi chăng nữa, thì yếu tố gây ấn tượng với giáo sư vẫn là quan trọng nhất. Nhất là ở châu Á, có kinh nghiệm nghiên cứu hay có paper là 1 điểm cộng rất lớn. Năm thứ 4 mình tìm cách xin vào các nhóm nghiên cứu của các thầy trong bộ môn, với hy vọng có thứ gì đó để show ra rằng mình đã từng làm nghiên cứu.
Sang năm cuối, mình biết điểm tổng kết mình chỉ cỡ 6.7 - 6.8 trước khi tính điểm luận văn, nên không thể xin đi học thạc sĩ với điểm số đó ngay được. Mình xác định là sẽ học thêm 1 kỳ thạc sĩ ở BKHN rồi bỏ chương trình đó, đi du học vào kỳ mùa Xuân năm sau, chấp nhận phí mất nửa năm ở VN vì không muốn đi làm công nghiệp dẫn đến sao nhãng mục tiêu cũng như hy vọng có thêm paper. Sau khi tốt nghiệp đại học, mình thi tiếp học thạc sĩ tại BKHN. Vẫn tích cực đi kiếm giáo bên Hàn và contact họ. Lúc này điểm tổng kết mình đã hoàn thiện, GPA đại học lên được 7.59, may mắn sao lại đứng đầu lớp (hơn 0.02 so với bạn thứ hai). Vậy là CV mình lúc đó coi bộ cũng không quá tệ với bằng khá dẫu thi lại be bét, rank 1st ngành hẹp, và có vài ba bài báo nội địa giắt lưng do bắt đầu làm nghiên cứu từ đầu năm cuối (dĩ nhiên là chất lượng rất lởm khởm).
Contact giáo sư ở trường Konkuk, thấy giáo có vẻ cũng hứng thú do hiếm sinh viên xin hệ thạc sĩ mà có paper (thông tin này qua anh Trúc - 1 người Việt tại lab chia sẻ mình). Nhưng thời điểm đó, giáo hướng dẫn mình tại VN lại không muốn mình bỏ dở chương trình thạc sĩ ở VN. Mình biết được rằng bằng thạc sĩ VN không có nhiều giá trị trong việc xin làm tiến sĩ ở châu Âu, nên mình rất muốn bỏ nó để không lãng phí thời gian, chưa nói đến chi phí sinh hoạt khi mà ở VN mình không có bất cứ học bổng hay hợp đồng công việc nào cả. Nhưng vì một lý do cá nhân, mình quyết định học tiếp thạc sĩ tại BKHN. Dẫu vậy, mình vẫn luôn tin rằng mình cần đi học lại thạc sĩ ở nước khác để thực hiện giấc mơ của mình. Vì châu Âu là nơi yêu cầu có bằng thạc sĩ trước khi lên hệ tiến sĩ, nên họ rất quan trọng cái bằng này (những nước có thể lên thẳng hệ tiến sĩ từ bằng đại học thì bằng thạc sĩ nhiều khi chỉ là 1 điểm cộng). Với những người xuất sắc, học thạc sĩ trong nước mà làm việc với những giáo nổi tiếng như kiểu bác Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Thời Trung..., hay mấy ngành mà Việt Nam không tệ như khoa học cơ bản, vật liệu, công nghệ thông tin..., có cơ hội đăng báo xịn thì cơ hội xin được tiến sĩ ở châu Âu với bằng thạc sĩ Việt Nam cũng sẽ cao hơn. Như đã nói, ngành mình là ngành công nghiệp nặng và đã rất cũ, nên lĩnh vực này Việt Nam có thể nói là vô danh trên thế giới. Lab ngành mình ở BKHN có thể coi là thuộc dạng lớn nhất VN, nhưng đến thời điểm mình đi học nước ngoài (năm 2013) thì cả lab chỉ có 2 bài báo Scopus (mình là co-author của một trong hai bài đó), còn lại chỉ các hội thảo quốc tế nhỏ và các bài báo trong nước.
Cố gắng làm xong cái thạc sĩ ở BKHN nhanh nhất có thể. Mình biết điểm luận văn kiểu gì cũng được A, nên mình làm sao cho nhanh thôi chứ cũng không đầu tư gì tránh lãng phí tiền của và thời gian. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ với điểm số 3.8/4 ở BKHN, mình cũng xin vô số các suất tiến sĩ ở châu Âu và dĩ nhiên là không trúng cái nào. Thời điểm đó mình chỉ có 2 sự lựa chọn: một là xin đi làm để lấy kinh nghiệm công nghiệp, cải thiện thêm ngoại ngữ, có chỗ lưu trú trong thời gian xin đi học sau này; và hai xin đi học lại thạc sĩ ở châu Á. Sau 1 thời gian, mình chọn lựa chọn số 2 một phần vì mình nghĩ mình sẽ cơ hội đi làm tiến sĩ ở châu Âu được nếu tiếp tục ở Việt Nam là rất thấp, hai là vì xin việc với bằng thạc sĩ (nghiên cứu) là 1 nhược điểm với ngành mình. Ngành ô tô Việt Nam đơn thuần là lắp ráp, nên họ không cần người có kỹ năng nghiên cứu phát triển gì cả. Đến thời điểm năm 2020, các job hiện tại ngành mình vẫn là yêu cầu bằng đại học hoặc cao đẳng (tỷ lệ 50-50).
Mình contact nhiều giáo ở Hàn để xin học mỗi thạc sĩ nhưng các giáo không chịu dẫu mình đã giấu bằng thạc sĩ BKHN đi rồi (ở Hàn xin học trực tiếp lên tiến sĩ sẽ dễ hơn rất nhiều). Có mấy giáo không khó khăn gì về vụ cấp học thì lại khó khăn về mặt ngôn ngữ khi các môn học là tiếng Hàn, hoặc thậm chí các giáo không nói được tiếng Anh. Thời điểm đó cuối tháng 3, bế tắc trong con đường đi Hàn, mình quay lại Đài. Do mình đã từng tìm kiếm trường và giáo trước đó, nên mình có thứ tự ưu tiên ngay từ đầu. Bốn trường lớn nhất Đài bao gồm NTU, NTHU, NCKU, và NCTU. Trong 4 trường đó, chỉ 1 trường có giáo làm về ngành mình là NCKU, nên mình ưu tiên trường này. Dẫu vậy lựa chọn số 1 của mình để chọn trường học lại là NTUST, trường không nằm trong số 4 trường kể trên, do tất cả các chương trình học sau ĐH của trường đó đều bằng tiếng Anh. Đáng tiếc là hạn nộp trường đó là 31/3, và mình không thể hoàn thiện kịp hồ sơ. Quay lại với trường mình thích nhất, NCKU, thì deadline lại là 10/4. Qua đó, mình có đủ thời gian để hoàn thành quá trình nộp. Nộp hồ sơ đây chỉ là nộp để xin admission, và sau đó học bổng trường sẽ xét dựa theo cái đó. Mình có contact giáo trước với hy vọng giáo tác động lên bộ phận nhập học, tiếc rằng bên Đài không giống với bên Hàn, việc này giáo không đả động gì.
Sau 2 tháng, mình nhận được admission từ NCKU, biết được mình có học bổng trường. Năm đó thay đổi chính sách học bổng, trường cho học bổng cao, nhưng sinh viên phải đóng học phí. Sau khi trừ học phí, lượng còn lại là không đủ cho ký túc xá và tiền ăn. Mình cũng đã phân vân không biết có nên đi hay không. Cùng lúc, khoa Cơ Khí gửi email đến tất cả sinh viên quốc tế nhập học năm nay sẽ nhận được học bổng bổ sung từ cựu sinh viên của khoa. Với sự bổ sung đó (cho kỳ đầu tiên), sẽ đủ cho chi phí sinh hoạt. Do giáo mình contact cũng nhận được email đó (trong nhóm cc), chủ động contact lại mình là welcome mình đến lab của ông. Nhân tiện mình đề cập đến vụ học bổng trường không đủ, không tập trung nghiên cứu 100% được. Giáo cũng xông xênh bảo sẽ cho thêm 6000 - 8000 NTD mỗi tháng khi mình lên lab làm. Cộng với 2 nguồn học bổng kia lại là đảm bảo đủ ăn ở, mình quyết định sang NCKU học lại thạc sĩ. Quãng thời gian học thạc sĩ tại Đài dĩ nhiên không hề êm đềm, nhưng mình sẽ chia sẻ nó qua một bài post khác.
Sau khi gần tốt nghiệp thạc sĩ bên Đài, mình lại quay lại với mục tiêu xin làm tiến sĩ ở châu Âu. Phương thức apply vẫn như cũ, chỉ khác là CV mình giờ đã đẹp hơn do (sắp) có bằng từ 1 trường rank cao ở châu Á, có thêm papers, có thêm nhiều kinh nghiệm do làm nhiều projects khác nhau. Và quả thực, số suất được gọi phỏng vấn nhiều hơn. Khi đã được vào vòng phỏng vấn, nếu không được thì là do chính bạn. Ít ra bây giờ, cơ hội được thể hiện cũng đã cao hơn nhiều. Do nhiều vị trí cũng không quá phù hợp với chuyên môn hẹp của mình, nên mình vẫn tiếp tục trượt. Nhưng không vì thế mà mình từ bỏ, vẫn kiên trì apply. Trao đổi luôn với giáo là sẽ xin học tiếp tiến sĩ ở Đài nhưng khi mình xin được suất tiến sĩ nào khác ở châu Âu, mình sẽ chuyển sang bên đó và ông ấy đồng ý.
Vào một đêm nọ, khi mình chat với chị mình (lúc này đang ở bên Bỉ sau khi cưới chồng), thì mình tìm thấy suất tiến sĩ ở trường Ghent - trường cũ chị mình học trước đó 2 năm. Mình khá bất ngờ với thông tin này vì giáo này mình đã theo dõi từ lâu, vẫn có sinh viên mới nhưng không đăng tuyển bao giờ. Tất cả sinh viên của ông đều đi lên từ hệ thạc sĩ, do chính ông hướng dẫn trước đó. Chưa từng có sinh viên quốc tế full-time nào ở trong lab. Dẫu thấy lạ, nhưng mình chả có gì để mất, nên vẫn apply như thông thường. Sau 2 tuần, mình được hẹn phỏng vấn. Vòng phỏng vấn diễn ra không được thuận lợi lắm, mình không hài lòng với những gì mình đã thể hiện. Ông bảo ông phải phỏng vấn thêm một vài đứa nữa rồi nhắn lại sau. May mắn sao mấy đứa còn lại thể hiện cũng không quá nổi bật, ông suy nghĩ và sau 2 tuần, gửi mình cuộc hẹn phỏng vấn lần thứ hai.
Lần này ông yêu cầu mình gửi 2 papers cho ông xem và hỏi xem có thư giới thiệu không, gửi cho ông luôn. Mình gửi email cho thầy người Đài và thầy cũ ở BKHN nhờ 2 người gửi email trực tiếp sang cho ông ấy. Buổi hẹn phỏng vấn diễn ra sớm nhất có thể, nên đến hôm phỏng vấn, mình có hỏi là ông đã nhận được email nào chưa, nếu chưa thì để mình nhắc lại với 2 giáo kia, thì ông trả lời là chưa nhận được email nào cả. Buổi phỏng vấn này thì diễn ra rất vui vẻ, ông còn nói đùa về cái avatar của Skype của mình. Mình khá tự tin sau lần phỏng vấn này. Phỏng vấn xong là chat với bà chị một lúc rồi quay lại lab để làm việc tiếp để tuần sau bảo vệ luận văn. Khi vừa lên lab, mở email ra thì đã nhận được email Congratulation từ bên Bỉ. Ông ấy gửi ngay sau buổi phỏng vấn. Dĩ nhiên là mình đã rất hạnh phúc ở thời điểm đó, khi mà những gì mình làm đã hoàn toàn chính xác. Quyết định đi học lại thạc sĩ ở Đài là bước ngoặt thay đổi cuộc đời của mình.
Sau này khi tốt nghiệp, giáo cũng chia sẻ những nguyên nhân vì sao ông ấy chọn mình. Có một vài nguyên nhân cơ bản như điểm tổng kết cao và trả lời phỏng vấn tốt, ông còn nhấn mạnh là mình có bằng thạc sĩ ở Đài và ... chị gái đang sống ở Bỉ. Giáo mình lần đầu tuyển người nước ngoài, nên chỉ tin tưởng những ai đã có thời gian sinh sống và học tập ở 1 quốc gia khác (cho người ngoài châu Âu) để đảm bảo không gặp vấn đề gì với việc làm quen môi trường mới, không nhớ nhà..., nên nếu không có thời gian ở Đài thì mình sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe. Trong thời gian làm PhD, mình càng hiểu rõ hơn tiêu chí này do thời điểm đó lab mình cũng tuyển người, và những bạn ngoài châu Âu mà không có thời gian ở một quốc gia khác sẽ bị loại ngay vòng duyệt hồ sơ. Mình thì ngoài có thời gian ở Đài, còn có thêm chị gái từng tốt nghiệp cùng trường và hiện đang sống ở Bỉ nữa. Ngoài vấn đề về mặt kinh nghiệm sống (do giáo mình yêu cầu), những kiến thức hay trải nghiệm ở Đài là vô cùng quý giá. Những kinh nghiệm đó vẫn ngày ngày giúp ích cho công việc cũng như cuộc sống của mình ngay cả khi đã rời khỏi môi trường học thuật.
Khánh - 14/11/2020
Chia sẻ của bạn rất cảm động và đầy kiến thức. Đọc về hành trình đi du học và những nỗ lực bạn đã đặt ra thực sự là nguồn động viên lớn. Cảm ơn bạn đã chia sẻ một cách chi tiết và chân thành như vậy. Chúc bạn luôn thành công trong cuộc hành trình của mình và có được những thành tựu lớn lao trong tương lai!