Trong bài trước mình đã từng chia sẻ về ngộ nhận của một số bạn mới bắt đầu làm nghiên cứu về tính mới trong các bài báo khoa học, tiện đây mình chia sẻ thêm một số "sai lầm" mà sinh viên hay mắc phải. Bài này chỉ tập trung vào sinh viên hệ đại học, những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc học lên các cấp bậc cao hơn cũng như du học. Thực ra gọi là sai lầm thì cũng hơi quá, nhưng chả biết dùng từ nào hợp hơn nữa. Những gì mình chia sẻ ở trong bài này đều là những thứ mình đã từng gặp phải, nên cũng có thể coi đây là bài nói lên quan điểm của mình (ở thời điểm hiện tại) về những cái đó.
Hình minh họa: nguồn Internet
Bằng cấp càng cao càng khó
Mình đã từng đề cập trong Blog #13 về yếu tố bằng cấp cao không đồng nghĩa với giỏi. Điều đó có nghĩa không phải cứ tiến sĩ là giỏi hơn thạc sĩ, thạc sĩ giỏi hơn kỹ sư / cử nhân, hay thậm chí không có nghĩa GS/PGS giỏi hơn tiến sĩ... vì có người này người kia. Người giỏi mà không học lên cao thì họ vẫn giỏi, mà người không giỏi bằng cách nào đó có được học hàm học vị cao thì vẫn không giỏi. Thế thì với cùng một người, bằng cấp cao hơn có đồng nghĩa giỏi hơn không? Câu trả lời là có, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc do học lên cao khó hơn nên trở nên giỏi hơn, mà đó nằm ở vấn đề kinh nghiệm.
Trong bộ sưu tập bốn tờ A4 của mình, mình sẽ sắp xếp độ khó để tốt nghiệp (không tính yếu tố độ khó để xin vào) của mình theo thứ tự từ khó đến dễ như sau: bằng thạc sĩ tại Đài, bằng đại học BK, bằng tiến sĩ ở Bỉ, và cuối cùng là bằng thạc sĩ BK. Ngay trong bảng "xếp hạng" này nhiều người hẳn sẽ có những thắc mắc tại sao bằng tiến sĩ của mình lại xếp thứ ba, hay thậm chí hai bằng ở cùng một nơi (BK) thì bằng đại học lại khó hơn thạc sĩ. Mình tin điều này rất nhiều người đồng tình với mình khi học thạc sĩ ở BK dễ hơn rất rất nhiều so với chương trình đại học. Chương trình đại học ở BK phải gọi là siêu nặng, để qua môn hay điểm cao là không dễ. Nhưng khi lên bậc thạc sĩ thì lại hoàn toàn khác, các môn học dễ hơn nhiều, điểm cũng rất cao. Luận văn thạc sĩ thì trung bình chung phức tạp hơn đồ án tốt nghiệp đại học, nhưng kết quả đó có phải do học viên làm hay không thì không chắc :)) Lên bậc tiến sĩ, độ không chắc này càng nhiều thêm :))
Mình vốn là một người thích làm nghiên cứu hơn là thích học. Nói thật là mình ghét việc đi học mà phải làm kiểm tra, bài tập lớn, bài tập về nhà :)) (chỉ thích ngồi nghe thôi). Trong khoảng thời gian làm PhD, mình chả phải học bất cứ môn nào (vì trường ở Bỉ chấp nhận bằng bên Đài nên không bắt buộc học môn nào cả), vì vậy mình cảm thấy rất nhẹ nhàng, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, không bao giờ làm quá 7h tối, không lên lab cuối tuần, làm túc tắc đến khi có data rồi thì viết báo, sau viết luận án là xong 😁 Nói chung công việc nghiên cứu như hồi PhD là dạng công việc mình yêu thích, nên rất thoải mái. Chắc đến đây sẽ có người thắc mắc thế tại sao bằng thạc sĩ ở Đài lại khó hơn bằng đại học ở BK dù chương trình đó nhiều nghiên cứu hơn và học ít hơn, câu trả lời là áp lực từ phía giáo. Nhiều người bảo học thạc sĩ ở Đài dễ điểm cao, nhưng với mình thì thấy học ở NCKU nói chung hay khoa cơ khí nói riêng không dễ tý nào nếu học những môn core. Thời điểm đó còn nhiều môn dạy bằng tiếng Trung nữa. Đồng thời bạn phải có kết quả tốt để tuần báo cáo hai lần với giáo ở lab, quả thực mình thấy rất khó để có thể làm được cả hai. Mình đã phải bỏ bớt môn vì quá khó để theo được tại thời điểm đó và cố kiếm môn nào dễ hơn nhằm đủ điểm duy trì học bổng trong năm thứ hai. Với những áp lực đó, cộng áp lực phải hoàn thành trong vòng 2 năm, nên cái tờ A4 toàn ký tự mà mình không hiểu gì kia chính là cái quý giá nhất trong bộ sưu tập của mình 😁
Thầy/cô ở một đẳng cấp mình không thể với tới
Hồi năm thứ hai, khi mới bắt đầu vào chuyên ngành, lớp mình có lên văn phòng bộ môn vào ngày 20/11. Hôm đó thầy chủ nhiệm mình giới thiệu bộ môn có những thầy này thầy kia, đi học ở tây về... Lúc đó trong đầu chỉ nghĩ rằng: trời ơi, sao mấy người này giỏi thế, cảm thấy lạc lõng khi xung quanh mình toàn "đầu to" như thế này (dù về mặt kích cỡ vật lý, chắc đầu mình to hơn :)))) Sau khi về có nói chuyện đó với a Hoàng ở phòng đối diện (đã từng đề cập trong blog trước đó), cũng là một giảng viên trẻ ở BK. Anh chia sẻ một câu mà mình nhớ mãi: "em thấy vậy vì em học sau họ thôi". Lúc đó mình cũng chả nhớ là mình nghĩ gì sau khi nghe câu nói của anh, và đến những năm cuối mình nghe một câu tương tự từ một cán bộ trẻ của bộ môn: "bọn tôi cũng chỉ là người học trước các cậu thôi mà". Về sau thì mình thấy có phần đúng thật, dẫu các thầy/cô vẫn là những người rất giỏi, nhưng không có nghĩa là mình không thể vươn tới trình độ đó.
Nói đến chuyện học trước, sau này khi đi du học mình gặp nhiều em học cùng trường nhưng ở các bậc thấp hơn như học đại học khi mình học thạc sĩ, hay học thạc sĩ khi mình làm tiến sĩ. Điều đầu tiên mình nghĩ đến là những đứa em này tương lai có thể sẽ tươi sáng hơn nữa vì đã được học ở những trường tốt từ các bậc thấp chứ không phải như mình, sau này có thể xin được những trường tốt hơn, đi xa hơn. Tất nhiên đó là quan điểm của mình khi thấy các em ấy có nền tảng tốt như vậy, nhưng cũng không ít người ở bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ có cái nhìn khá là "coi thường" với những sinh viên theo học ở các chương trình thấp hơn.
Nổi tiếng, bằng cấp xịn, báo nhiều là giỏi
Cái này thì mình đã từng đề cập trong Blog #7 khi đánh giá năng lực giáo sư. Nhưng với sinh viên hệ đại học, để biết được những điều này là rất khó. Mình cũng đã từng như thế khi so sánh các thầy cô trong bộ môn mình. Thầy này thầy kia học hàm cao, làm quản lý chức to... là auto giỏi hơn người khác. Hay thầy này có paper nhiều, thầy kia có ít chứng tỏ kém hơn, blah..blah.. Về sau mới thấy những đánh giá như vậy thật là sai lầm. Làm quản lý đòi hỏi kỹ năng quản lý, khả năng ra quyết định tốt. Nhưng tốt những điều đó không đồng nghĩa với chuyên môn giỏi và giảng dạy hay. Khi so sánh số lượng paper, có một sự thật là tốt nghiệp tiến sĩ ở châu Á có nhiều paper hơn so với tốt nghiệp tiến sĩ ở châu Âu (ít ra với ngành mình). Và nếu chỉ dựa theo số lượng paper thì ai cũng bảo làm tiến sĩ ở châu Âu không "ngon" như ở châu Á. Như đã đề cập trong Blogs #12 & #13, những yếu tố ẩn đằng sau đôi khi mới chính là thứ nói lên năng lực của một người, và điều đó chỉ có thể phát hiện được khi mình có cơ hội được học tập và trao đổi với người đó.
Tầm quan trọng của thư giới thiệu
Đối với sinh viên hệ đại học, họ luôn cho rằng thư giới thiệu (letter of recommendation - LoR) là vô cùng quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn (~80-90%) trong cơ hội xin học bổng của bạn. Điều này có thể đúng ở một số quốc gia nơi hồ sơ xin đi học cần có LoRs như Mỹ, Úc..., nhất là bạn có được LoRs từ những giáo sư nổi tiếng (nổi tiếng thật nhé, chứ không tính mấy giáo nổi tiếng "mõm") và đến từ chính những nước đó (nơi họ tin). Nhưng trong nhiều trường hợp, LoR đôi khi cũng chỉ để đủ hồ sơ mà thôi, hoặc thậm chí không cần thiết. Ở VN, thư giới thiệu thường không được làm đúng cách. Hầu hết thư giới thiệu là sinh viên soạn, rồi thầy ký. Sau khi ký, sinh viên đem đi nộp/scan cùng bộ hồ sơ của mình. Điều này khiến độ tin tưởng từ những thư giới thiệu này không còn cao nữa do không có tính bảo mật. Nhiều nơi giờ cũng không bắt buộc phải có LoRs trong bộ hồ sơ.
Mình có một anh bạn, anh ấy xin học bổng bên Hàn. Anh ấy có xin 2 LoRs (dạng thầy ký như ở trên) để nộp hồ sơ. Nhưng sau thấy LoRs không yêu cầu bắt buộc nữa, anh ấy bỏ 2 tờ đó đi và chỉ nộp phần còn lại. Về sau anh ấy được học bổng cao như thường, đơn giản chỉ vì CV của anh ấy đẹp 😁 Hay một đứa em mình quen hồi ở Đài có kể nó và giáo hướng dẫn nó xin đi học bằng thư giới thiệu qua lại của 2 người :)) Như em ấy có thư giới thiệu của thầy hướng dẫn thì rất bình thường rồi, nhưng thầy của em ấy có thư giới thiệu từ sinh viên thì mình chưa thấy bao giờ :)) Mà người thầy đó cũng xin được học bổng tiến sĩ nhé (còn em kia là xin thạc sĩ). LoRs cũng đôi khi không quá quan trọng trong việc xin PhD job ở EU nữa. Đơn cử như trường hợp của mình thì giáo nhận mình khi chưa nhận được LoRs nào cả. Hay một anh khác mình quen xin PhD ở EU từ Hàn, nơi anh ấy có LoR từ giáo hướng dẫn thạc sĩ. Điều đáng nói là giáo đó rất xấu tính, viết LoR chê năng lực của anh ấy không tốt, không có gì nổi bật... Nhưng về sau giáo bên EU vẫn quyết chọn vì những ấn tượng trong lúc phỏng vấn. Về sau anh tốt nghiệp tiến sĩ với thành tích rất tốt, và bây giờ đang làm giảng viên của một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới.
Mình cũng thấy rất nhiều bạn sinh viên có tính khá "ỷ lại", gần như trông chờ hoàn toàn vào thư giới thiệu của các thầy cô với hy vọng đi học được đâu đó. Thư giới thiệu đây không chỉ dừng lại ở thư dạng ký tay như mình đề cập ở trên, mà còn là chờ thông tin học bổng thầy gửi cho nữa. Dẫu thư giới thiệu (dạng này hay dạng kia) có quan trọng đi nữa, nhưng nó cũng không phải là yếu tố chính giúp bạn đi học hay xin học bổng. Quan trọng nhất chính là năng lực bản thân. Thầy cô có là bigname, thư giới thiệu tâm huyết mà năng lực bạn không có thì cũng trượt mà thôi. Vì vậy thay vì trông chờ vào những thứ thuộc về người khác, hãy cố gắng cải thiện chuyên môn, ngoại ngữ, hoạt động ngoại khóa... thì hơn, nhưng thứ đó mới chính là yếu tố quyết định cho thành công của bạn. Ngay cả thông tin học bổng cũng vậy, cần phải chủ động tìm kiếm. Network các thầy có, nhưng cũng chả thể cover hết các thị trường du học hay các lab được, chưa kể những chỗ đó đôi khi không hợp với mong muốn và tham vọng của bản thân.
Những chia sẻ của người đi trước là chính xác
Thực ra chính mình đang chia sẻ đây, nhưng vẫn khuyên các bạn không nên tin tưởng hoàn toàn :)) Dù mình nghĩ mình là đối tượng biết khá nhiều thông tin về du học do xưa hay lang thang nhiều diễn đàn, tự tìm kiếm thông tin từ sớm và cho nhiều môi trường khác nhau..., nhưng những chia sẻ của mình trên website này là kinh nghiệm của bản thân mình, cho ngành mình, và cho thời điểm mình xin học bổng. Thời thế thay đổi, ngành nghề khác nhau, nên những kinh nghiệm này không đại diện cho tất cả, có nhiều thứ không đúng với người khác. Phải tham khảo nhiều nguồn khác nữa để có cái nhìn khách quan hơn.
Xưa mình cũng nghĩ những anh chị, thầy cô đi học nước ngoài là biết về du học rất rõ, biết xin học bổng như thế nào, biết tìm thông tin ra sao... Nhưng sau mới thấy có rất nhiều người gần như không biết gì và có những hiểu biết sai về du học. Nhiều người như mình bảo đi học vì có ai đó gửi thông tin cho, sau nộp 1 cái và được luôn. Những người này có thể giỏi nhưng thông tin về du học đôi khi lại không biết gì mấy. Hay xưa khi mình có nghe 1 chị đi học Nhật về bảo học bổng giáo sư chỉ có ở châu Á như Hàn, Đài, chứ muốn đi châu Âu phải xin 322 (hay 911 về sau này), DAAD, Erasmus Mundus..., chứ không có chuyện giáo trả tiền nuôi sinh viên. Và xưa có biết gì đâu, tin sái cổ. Vẫn nhớ hôm đó lượn lờ trên diễn đàn du học sinh Đức, mình comment hỏi câu ở trên và có một anh đã giải thích cho mình là nó không đúng, dù đúng là ở châu Á nhiều giáo nhận sinh viên vì mối quan hệ nhiều hơn là ở châu Âu. Nếu lúc đó mà không tìm hiểu gì thêm, chắc mình cũng không biết ở châu Âu có dạng PhD job để định hướng cho con đường đi học về sau. Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa nhưng mình chỉ đưa ra một ví dụ điển hình như vậy thôi.
Trên đây là những "sai lầm" mà mình thấy sinh viên hay gặp phải, nhất là sinh viên hệ đại học. Tất cả những thứ này chính mình cũng từng trải qua khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ cho các bạn thấy rằng làm tiến sĩ đôi khi không phải là cái gì đó quá ghê gớm, hay bạn không kém như những gì bạn nghĩ, và cơ hội du học phụ thuộc vào chính bạn chứ không phải ai khác.
Khánh - 24/01/2022
Comments