Có một vấn đề mà mình từng được hỏi bởi khá nhiều người về quá trình làm PhD của mình rằng: "làm thế nào mà mình giữ được nhiệt huyết trong suốt 4 năm vậy?" Thực ra để trả lời được câu hỏi này là rất khó vì mỗi người mỗi khác, khác về mặt tính cách, khác về hoàn cảnh, khác giáo hướng dẫn, khác dự án... Trong bài này mình sẽ chia sẻ về lý do ảnh hưởng đến động lực nghiên cứu và trường hợp của mình - có bao gồm một số lý do giúp mình duy trì được nó cho đến tận những năm cuối cùng.
Hình minh họa: nguồn PhD Comics
Đầu tiên hãy phân tích những yếu tố nào khiến bạn nhụt chí khi làm PhD. Theo quan điểm của mình thì có một vài yếu tố chính sau:
- đam mê và tham vọng
- dự án làm nghiên cứu
- những thành công nhỏ
- giáo và đồng nghiệp
- tài chính
- tương lai
- gia đình và sức khỏe
Cái đầu tiên là thứ khó diễn đạt nhất, vì mỗi người có độ đam mê và tham vọng khác nhau khi làm PhD. Có người chỉ đam mê cái danh Tiến Sĩ cho oai, có người vì đam mê công việc giảng dạy mà phải cố tấm bằng, có người vì muốn ở lại nên tặc lưỡi nhận lời giáo làm PhD, có người lại vì đam mê nghiên cứu thực sự. Đối với mình người đam mê nghiên cứu là những người luôn thấy tò mò trong mọi thứ, muốn khám phá và mỗi lần tìm ra được điều gì đó mới lạ (đối với họ) thì đều rất vui. Những người này luôn muốn báo cáo ra (dạng văn bản hay slide) những kết quả mà họ tìm ra càng sớm càng tốt. Những người này cũng có tham vọng là nghiên cứu của họ sẽ thay đổi một cái gì đó với lĩnh vực họ theo đuổi.
Dự án PhD cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến động lực nghiên cứu. Có nhiều người có đam mê trải dài trên nhiều lĩnh vực của một chủ đề, nhưng cũng có người chỉ thích một vài hướng nhất định. Nên có trường hợp bạn xin vào lab của một giáo (đúng ngành), nhưng không may rằng ở đúng thời điểm đó giáo chỉ có mỗi 1 dự án mà lĩnh vực hơi lệch đi một chút. Dĩ nhiên bạn phải tham gia vì đó là sự lựa chọn duy nhất. Rất nhiều bạn có niềm đam mê lớn ở lĩnh vực khác, mơ mộng về những nghiên cứu mình sẽ làm trước khi bắt đầu PhD sẽ cảm thấy không hứng thú với dự án mới này. Và càng về sau, động lực nghiên cứu càng giảm nếu như không có nhiều tiến độ / thành công mới.
Động lực của mỗi người thường được bồi đắp qua những thành công nho nhỏ mà người đó đạt được trong suốt quá trình làm nghiên cứu. Thành công nhỏ mình đề cập ở đây có thể định nghĩa là những phát hiện mới trong nghiên cứu mà bạn tìm ra. Cứ sau mỗi lần tìm ra một cái gì đó mới, động lực lại được tăng thêm để tiếp tục với những research questions mới. Một khi bạn bắt đầu làm dự án mà bạn không hứng thú (như vừa đề cập ở trên), tốc độ nghiên cứu sẽ chậm hơn, và những thành công bước đầu cũng vì vậy mà chậm theo. Điều này dẫn đến hệ quả là đam mê nghiên cứu của bạn sẽ giảm dần theo thời gian. Có nhiều người sẽ vin cho lý do rằng làm dự án này không hay nên động lực nghiên cứu giảm. Nhưng đôi khi chỉ vì chưa có được nhiều thành công nho nhỏ nên khiến người đó càng trở nên chán nản với dự án hiện tại mà thôi.
Tiếp đến mà một yếu tố cũng rất quan trọng, giáo hướng dẫn và đồng nghiệp. Dẫu làm PhD là một quá trình tự lực nghiên cứu là chính, nhưng tính cách giáo + sự hòa đồng của các bạn trong lab cũng quyết định đến công việc nghiên cứu của bạn. Cứ giả sử bạn vào một lab mà các bạn cùng lab không tốt, không nhiệt tình giúp đỡ (nhất là làm nghiên cứu thực nghiệm) thì sẽ rất khó khăn. Mình còn chưa đề cập đến có nhiều bạn còn ghét, nói xấu mình với giáo (những điều không phải là sự thật), hay bàn tán đồn đoán những thứ không hay và không có thật về mình. Nếu bạn làm mô phỏng hay làm những thứ có thể làm một mình, thì vẫn sẽ không thể vui được nếu trong lab có sự phân nhóm mà chính bản thân mình là người ở phần còn lại. Chuyện với giáo sư thì như mình đã từng đề cập phần nào qua Blog #8 rồi nên mình không chia sẻ gì thêm.
Vấn đề tài chính đương nhiên là vô cùng quan trọng. Các cụ đã dạy "có thực mới vực được đạo", không có tài chính tốt thì cũng khó mà nghiên cứu được. Tài chính tốt ở đây bao gồm lương ổn, có tăng lương đều đặn đúng với năng lực / đóng góp. Nếu làm việc không lương hay lương không đúng với đóng góp của bản thân thì cũng khiến người lao động mất đi động lực làm việc. Chưa bàn đến việc bản thân người đó phải đi làm thêm kiếm tiền nuôi sống bản thân. Thường những công việc đó có phần "tay chân", nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe khá nhiều. Dĩ nhiên khả năng và nhiệt huyết làm nghiên cứu sẽ không thể cao được khi sức khỏe bạn không đảm bảo.
Tương lai sau khi xong PhD cũng là một phần không thể không tính tới. Nếu sau PhD là một tương lai không sáng lạng, ví dụ khó xin được việc hơn vì làm đề tài ở mảng nghiên cứu không hot, thì cũng sẽ khiến người ta phải suy nghĩ có nên dành 100% sức lực làm nghiên cứu hay là dành một phần để học cái mà bạn cho rằng có tương lai hơn. Hay thậm chí là lo sợ sau PhD sẽ khó xin việc, nên phân vân. Đánh đổi nhiều thứ mà về sau thu lại những gì không xứng đáng thì là điều không ai mong muốn cả.
Cuối cùng là vấn đề gia đình và sức khỏe. Chuyện sức khỏe thì đã quá rõ ràng rồi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn. Chuyện bạn bè gia đình là những thứ đằng sau, nhưng cũng có tác động không ít. Bạn dĩ nhiên khó có thể tập trung làm việc khi nhận được nhiều thông tin không tích cực từ phía người thân bạn bè. Ví dụ gia đình có người ốm nặng, bạn gái/trai ở VN cắm sừng, thất tình do tỏ tình thất bại..., thì khó mà tập trung nghiên cứu với hiệu suất 100% được. Tốc độ vượt qua được những biến cố mày tùy vào độ mạnh mẽ của từng người.
Đó là những thứ mình nghĩ có tác động chính đến động lực làm nghiên cứu. Có người không gặp vấn đề nào trong số những thứ kể trên, có người gặp một vài, và cũng có người dính hết tất cả. Người này người kia sẽ có cách vượt qua khác nhau, nhưng sau đây mình sẽ chia sẻ về trường hợp của mình.
Nói về đam mê nghiên cứu và tham vọng thì mình có khá nhiều. Mình luôn tò mò ở rất nhiều thứ, như luôn đặt câu hỏi dạng như why? how? effect of ... on ...? như trong Blog #9. Giáo mình cũng thừa nhận là mình có một ưu điểm (và đôi khi là nhược điểm) đó là có hứng thú với quá nhiều topics :)) Còn về tham vọng, đó không phải là những tham vọng viển vông như đoạt giải Nobel hay đăng Nature/Science gì (thực ra cũng gần như không đăng nổi lên các tạp chí đó do ngành đã quá cũ). Nếu bạn nào là bạn trên Facebook của mình thì cũng biết tới tấm hình ở dưới. Đó là bức hình chụp màn hình comment vui của mình trên group VietPhD về lý do làm PhD. Dù là comment mang tính chất tếu, nhưng nó cũng khá là đúng đấy :))
Mình muốn có những nghiên cứu dạng breakthrough trong ngành, được nhiều người trích dẫn theo kiểu mình là người đầu tiên đề cập đến vấn đề này. Sau đó có nhiều người khác tiếp tục khai thác theo hướng đó. Đôi khi đó chỉ là dạng nghiên cứu sơ khai thôi, đưa ra một giả thuyết nào đó và hy vọng có người làm sâu hơn về sau. Còn phần comment về đi làm công nghiệp ở ẩn thì cũng không hẳn đúng lắm, cái đó chỉ trỗi dậy sau khi mình đi làm công nghiệp lần đầu và gặp một bác đồng nghiệp lớn tuổi ở công ty cũ mà thôi. Trước khi mình chuyển lên làm ở Volvo, mình làm cho công ty siêu xe Koenigsegg ở phía Nam Thụy Điển. Trong số các đồng nghiệp, có một bác hơn 70 tuổi. Bác trước làm cho Volvo Trucks, nhưng sau chuyển sang công ty này. Bác là người có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất lịch sử Volvo. Ngoài ra cách đây khoảng 20 năm, bác ấy cũng là người tìm ra một phát hiện mới trong ngành. Cụ thể trước đó ai cũng cho rằng khí thải NOx và Soot của động cơ diesel luôn đi ngược hướng nhau, tăng cái này thì giảm cái kia. Bác đó chính là người đầu tiên chứng minh được hai khí thải đó có thể giảm đồng thời. Khi mình biết được thông tin đó, chỉ nghe đồn rằng có 1 kỹ sư ở Volvo phát hiện ra, nhưng không hề biết người đó là ai. Sau này khi vào làm việc thì mới nhận ra vị kỹ sư mà giới trong ngành đồn đại đó chính là đồng nghiệp của mình. Đúng kiểu cao thủ ẩn danh giang hồ 😁
Về dự án làm nghiên cứu, mình tuy là đối tượng thích mọi thứ liên quan đến ngành, nhưng cũng có thời điểm gặp đôi chút khó khăn với nghiên cứu của mình. Đề tài của mình được bắt đầu từ bằng sáng chế đến từ Viện công nghệ Massachusetts (MIT), chính tác giả của bằng sáng chế đó cũng là một trong các jury members của luận án mình. Trong bằng sáng chế đó, ông đã đưa ra dự đoán về độ hiệu quả mà ý tưởng đó mang lại. Dĩ nhiên con số đó là rất hấp dẫn, lại còn đáng tin nữa (MIT mà), nên khi mình bắt tay làm rất chi là hào hứng. Nhưng sau 2.5 năm, mình phát hiện ra là nó không tốt như những gì ông đó dự đoán (và dĩ nhiên là chứng minh được tại sao). Thời điểm đó có những suy nghĩ là có nên đổi topic hay lái sang một hướng khác nhằm mang lại kết quả tốt cho luận án không. Sau một vài tháng tiếp tục làm cái dự án đó và suy nghĩ cho hướng mới, mình quyết định không làm sang mảng mới mà tiếp tục với cái không thực sự hiệu quả kia. Mình nghĩ làm nghiên cứu không nhất thiết phải bằng mọi giá đưa ra kết quả tốt, chỉ cần nó mang lại kiến thức cho người khác là được. Dù nó không tốt nhưng sẽ giúp cho những ai có ý tưởng tương tự biết được mà tránh. Sau đó mình làm sâu hơn để đưa ra những kết luận chuẩn xác hơn, đầy đủ hơn. Kết quả nghiên cứu đó khá lớn, mình viết một bài khá dài và gửi cho giáo xem thử. Sau khi đọc bản nháp, ông chỉ thốt lên: "Khanh, I salute you!". Sau này bài đó nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, được trích dẫn nhiều vì tìm ra được yếu tố quan trọng. Cũng nhờ bài đó mà mình được một trong số reviewers liên lạc và có một bài báo chung với ông ấy về sau.
Trong suốt quá trình làm PhD, mình cũng có khá nhiều thành công nho nhỏ, hoặc chí ít đó là thành công theo định nghĩa của mình. Như đã đề cập, mình hay có những research questions nhỏ, nên mỗi lần trả lời được mấy câu đó thì rất vui. Đôi khi vì nó quá nhỏ nên ít khi là chủ đề chính của các bài báo, chỉ được đề cập đâu đó trong bài thông qua một vài câu. Trong Blog #9, mình có nói là mình hay đọc các nghiên cứu qua presentations chứ ít khi dành thời gian đọc kỹ các papers. Có lẽ do mình lười nên đọc như vậy cho nhanh. Ưu điểm của phương pháp này là biết được nội dung chính một cách nhanh chóng, nhưng nhược điểm là mấy cái tiểu tiết thì không rõ. Mà mấy research questions mình đề cập lại nằm trong phần tiểu tiết kia là chính. Vì vậy mỗi khi trả lời được mấy câu hỏi kia, mình luôn nghĩ rằng mình ... là người đầu tiên trả lời câu hỏi đó :))) Cảm giác rất chi là phê chữ ê kéo dài, và vì thế động lực nghiên cứu lại tăng thêm. Đến khi viết paper, khi đề cập đến câu hỏi nhỏ kia, mình mới bắt đầu tìm paper nào có kết luận tương tự không. Nếu có thì trích dẫn vào là ông XYZ có kết luận tương tự. Còn nếu không có bài nào thì coi như mình là người đầu tiên trả lời rồi :)) Việc đọc kỹ paper cũng tốt, nhưng đôi khi khiến bạn mất động lực kha khá vì thấy bàn dân thiên hạ nghiên cứu hết rồi, cảm giác mình chả biết nên làm gì bây giờ. Dù vậy mình cũng không khuyên các bạn lười đọc như mình, nhưng cũng không nên dành nhiều thời gian cho nó quá. Một vấn đề nữa các bạn mới làm nghiên cứu hay ngộ nhận là bài báo phải đăng thông tin mới. Thực ra bài báo quan trọng nhất là cần đưa thông tin đúng, chứ đôi khi không cần phải là mới hoàn toàn. Giống như nghiên cứu về xác suất thống kê, cần có đủ số lượng mẫu đủ lớn để đưa ra kết quả. Nghiên cứu cũng vậy, cần nhiều nghiên cứu có cùng một kết luận để đảm bảo kết quả đó đáng tin cậy. Chỉ 1 hay 2 bài đưa ra một luận điểm thì không đủ, vì vậy không phải quá áp lực nếu như thấy ai đó đăng bài trước mình.
Về mối quan hệ với giáo và đồng nghiệp thì mình chả có vấn đề gì. Giáo hướng dẫn PhD mình là một người rất tuyệt vời như đã đề cập trong Blog #8. Dù thời điểm hướng dẫn mình ông không có nhiều fund cho lắm, nhưng luôn cố gắng sắp xếp từ các dự án để đảm bảo sinh viên không phải lo lắng gì về mặt tài chính, nên đó cũng không phải là thứ ảnh hưởng đến mình. Tương lai thì cũng là thứ mình từng lo, chủ yếu vì làn sóng điện hóa như mình đã đề cập trong Blogs #11 & #12 chứ không phải đến từ bằng cấp. Dẫu đúng bằng thạc sĩ dễ xin việc hơn bằng tiến sĩ, nhưng mình vẫn tiếp tục chương trình vì mình thích làm nghiên cứu, giáo cũng rất tốt nên mình không muốn bỏ dở giữa chừng. Ngoài ra bằng thạc sĩ của mình cũng đến từ nước ngoài EU, nên đó cũng không phải là điểm cộng. Để xin việc ở đây, có bằng tiến sĩ mà của EU thì sẽ dễ hơn bằng thạc sĩ từ châu Á - mình nghĩ vậy.
Còn cái cuối cùng thì mình chỉ gặp vấn đề với ... gái mà thôi :)) Năm thứ 2 đi tán gái mà toàn được ăn bơ không ah, sau một thời gian mà không thấy tiến triển, quyết định rút. Vẫn nhớ hôm đó là ngày 8/3, tặng quà xong rồi rút lui. Để ghi nhớ ngày đó, mình cố nộp bài báo (journal) đầu tiên của mình vào đúng ngày đó luôn :)) Thông thường paper sẽ đề cập đến ngày nộp bản đầu, ngày nộp bản chỉnh sửa, ngày được chấp nhận đăng và ngày đăng, nên mình chọn nộp ngày đó để ghi nhớ :)) Dù cũng có chút ảnh hưởng, nhưng may sao có hội thảo sau đó tầm 1 tháng ở Mỹ, tiện đi chơi giải khuây luôn. Với biến cố về mặt cảm xúc, mình thường chỉ cần một vài ngày nghỉ ngơi là có thể quay lại làm việc với hiệu suất gần như là cao nhất, nhưng yếu tố này còn tùy từng người.
Tóm lại động lực nghiên cứu có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng. Không ai giống ai, và cũng không ai cũng ở trong hoàn cảnh giống nhau, nên không thể so sánh người này với người kia. Nhưng theo mình có thể cải thiện một phần nào đó nếu những suy nghĩ khác biệt đi đôi chút. Thông thường động lực là cao nhất trong những năm đầu, nên đôi khi bạn đặt những mục tiêu quá cao vì chất lượng nghiên cứu lại là kém nhất ở thời điểm đó. Thay vì cố gắng viết ra một bài báo hoàn hảo theo tiêu chuẩn của bản thân ngay từ đầu (có phát hiện mới toanh, nhiều nội dung hay ho, kết quả rất triển vọng) khiến công việc bị trì trệ hay nản chí, hãy cố hoàn thành những nghiên cứu đủ tốt trước. Một bài báo có giá trị chỉ khi nó phù hợp với nhu cầu của người đọc. Bạn làm ra những thứ cao siêu mà người ta không hiểu thì cũng chả để làm gì. Thay vào đó hãy cố làm những cái đơn giản nhưng rõ ràng, lập luận chắc chắn thì còn đáng giá hơn nhiều. Mình cũng bắt đầu làm cái (mình cho là) có giá trị sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện ra trường (2 bài journal với tư cách tác giả chính). Chứ hai bài đầu của mình có chất lượng cũng vừa phải thôi. Với mình thì có bài sớm để "an toàn" trước, rồi mới làm những bài chất lượng sau. Hạ thấp tiêu chí một chút ở thời điểm đầu để có những "thành công" một cách dễ dàng hơn, giúp kéo dài động lực nghiên cứu theo mình nghĩ là điều nên làm.
Khánh - 16/11/2021
Comments