Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về việc tuyển dụng nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) ở châu Âu thông qua những trường hợp mà mình biết cũng như từ chính lab của mình. Trong bài này mình chỉ đề cập đến việc tuyển nghiên cứu sinh cho các dự án có sẵn của giáo (PhD job) chứ không đề cập đến xin các học bổng bên ngoài. Đôi khi những vị trí mà các giáo tuyển cũng là 1 dạng học bổng, nhưng đó là những học bổng có sẵn và bạn gần như không phải lo công đoạn apply như các học bổng thông thường.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Đầu tiên cần phân loại rõ sự khác biệt giữa PhD job và các học bổng PhD thông thường là như thế nào. Các học bổng thông thường, bạn xin học bổng từ 1 quỹ nào đó, ví dụ học bổng nhà nước VN, học bổng chính phủ, học bổng tên ABC... Rồi sau đó bạn tìm kiếm giáo sư để xin vào lab làm nghiên cứu. Đôi khi nhiều bạn cũng chủ động contact trước nhưng giáo không có nhiều đóng góp cho cơ hội được học bổng của bạn. Một số học bổng thì bạn phải contact giáo trước để nộp đề cương nghiên cứu với sự hướng dẫn của giáo, thường là học bổng ở các nước sở tại. Những học bổng này thì có sự giúp sức từ giáo rõ ràng hơn, và cơ hội có thể cao hơn.
Với các suất PhD jobs thì có phần khác biệt, gần như bạn chả cần nộp học bổng gì cả, việc bạn cần làm là "tán đổ" giáo, vậy là xong (bùa mê thuốc lú hay tà ma pháp thuật gì đó thì tùy). Các suất PhD jobs này thường là từ những dự án mới giáo vừa nhận được, cần tuyển người vào làm sớm. Khi giáo nộp hồ sơ xin dự án, thường có thông tin là dự án cần nguồn nhân lực như thế nào để hoàn thành, ví dụ cần 2 PhD students và 1 postdoc. Thì khi được cấp dự án, giáo sẽ tuyển sinh để kiếm người phù hợp. Giáo lúc này trở thành người chủ dự án và có quyền hành trong tay, việc nhận ai hay loại ai là tùy thuộc vào giáo. Nhà trường không can thiệp gì vào quá trình tuyển người, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là giúp làm thủ tục nhập học cho người mà giáo chọn. Nhược điểm của các suất PhD jobs chính là trước khi tuyển đã có đề cương dự án cụ thể, và bạn phải bám theo cái khung đó. Nếu dự án không hấp dẫn thì bạn cũng khó làm 1 cái hoàn toàn mới mà bạn cảm thấy hay ho được. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu thấy dự án không hay mà bạn vẫn nộp (và nhận lời làm sau khi giáo tuyển) thì đó là lỗi của bạn rồi.
Khác với Mỹ, Úc hay một số nước châu Á, việc nhập học cho chương trình tiến sĩ ở châu Âu hầu như không có theo quy luật nhập học thông thường của hệ thạc sĩ hay đại học. Bạn có thể nhập học chương trình tiến sĩ vào bất cứ thời điểm nào trong năm (như Ý có các chương trình PhD calls thì lại hay nhập học theo kỳ mùa Thu như phần lớn các chương trình khác). Như tên gọi của các suất này, PhD jobs, thì những vị trí này là một dạng công việc, và đã là công việc thì có thể tuyển dụng vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Như đã đề cập, việc tuyển dụng này là thông qua giáo chứ không thông qua một ai khác cả. Ở Mỹ, Úc..., nhiều người cũng contact giáo trước để xin vào lab dạng trợ lý nghiên cứu (RA). Và ngay cả khi giáo đã nhận, bạn vẫn phải xin admission để vào trường. Nhiều nơi bạn có thể được giáo bảo lãnh phần nào, ví dụ chứng chỉ GRE, nhưng gần như không thể bảo lãnh hoàn toàn cho bạn qua vòng admission nếu CV của bạn quá xa với yêu cầu của trường. Một ví dụ đơn giản nhất là tiếng Anh, nếu bạn không đủ điều kiện nhập học của trường hay thậm chí không có chứng chỉ tiếng Anh thì sẽ rất khó có thể nhập học được. Chính vì không có một vòng xét duyệt nào khác trước và sau giáo, nên nhiều khi có sự thiếu minh bạch. Có thể bạn không giỏi nhưng giáo quý thì vẫn được, và ngược lại bạn giỏi nhưng giáo không thích thì cũng chẳng làm được gì. Nhiều người cứ nghĩ mình giỏi thì giáo sẽ tuyển mình, nhưng nhiều khi không phải như vậy.
EU là nơi có luật bảo vệ người lao động rất chặt chẽ, nên nó dẫn đến nhiều trường hợp sếp/giáo phải chọn một phương án an toàn. Cụ thể ở nhiều quốc gia, sếp/giáo không được sa thải nhân viên / sinh viên của mình sau khi đã ký hợp đồng (bao lâu cho hợp đồng đầu tiên thì tùy nước/trường/giáo). Nên có nhiều trường hợp giáo tuyển được sinh viên, nhưng sau khi làm một vài tháng thì thấy không hợp hoặc năng lực không tốt thì vẫn phải tiếp tục nuôi bạn sinh viên đó đến khi hết hợp đồng. Người lao động (tức bạn sinh viên) có thể bỏ bất cứ khi nào, nhưng giáo thì không có quyền đó. Vì vậy rất nhiều giáo muốn kiếm những bạn đã từng học thạc sĩ với ông ấy, những người ông ấy đã từng làm việc cùng, hiểu phần nào tính cách... để có sự lựa chọn an toàn hơn. Năng lực đôi khi không quá xuất sắc, nhưng lại được chọn vì những lý do kiểu như vậy. Với sinh viên quốc tế, cơ hội xem xét tác phong việc không có, nên nhiều giáo không muốn "đánh cược" kiểu như vậy dù đôi khi những người đó có thể rất giỏi. Mình chưa đề cập đến những giáo có tính phân biệt chủng tộc (nặng nề) nhé. Dĩ nhiên những giáo phân biệt chủng tộc thì không nên xin vào làm làm gì, nhưng trước khi bạn sang, bạn khó lòng biết được điều đó. Thứ bạn biết có chăng chỉ là profile và paper của ổng mà thôi. Có thể ông là 1 big name, bạn cố xin đi xin lại nhiều lần để được làm đệ tử của ổng, nhưng nếu gặp giáo như vậy, bạn có cố nữa hay cố mãi thì vẫn vậy thôi. Đó chính là sự khó khăn khi xin PhD job ở EU, đôi khi cố cũng không được. Nhưng đôi khi nó lại rất dễ nếu gặp giáo quý sinh viên VN. Tựu chung lại, dễ hay khó thì tùy trường hợp, không có 1 quy chuẩn cụ thể nào như điểm IELTS ra sao, GPA như thế nào, bao nhiêu bài báo... là sẽ xin được PhD jobs. Cái cần là sự kiên trì và cả yếu tố may mắn nữa. Với các học bổng thì thường có những đánh giá sơ bộ thông qua profile những người được học bổng vào các năm trước.
Mình sẽ kể ra đây về trường hợp giáo hướng dẫn mình khi tuyển người vào lab của ổng. Với ông ấy, cựu sinh viên thạc sĩ do ông hướng dẫn sẽ là ưu tiên số 1 (bằng khá trở lên là đủ). Dẫu người đó từng đi làm công nghiệp một thời gian, làm lĩnh vực không liên quan gì đến chuyên môn của lab, thậm chí quên sạch kiến thức chuyên môn rồi rồi cũng được. Ông sẵn sàng để bạn đó đi nghe giảng lại một số môn cơ bản thay vì kiếm một người có chuyên môn mà không rõ tính cách, độ hòa đồng như thế nào. Thứ 2 là những bạn chưa từng có cơ hội làm việc với ông, nhưng phải là những người tốt nghiệp ở các trường mà ông ấy tin tưởng (chủ yếu là Âu Mỹ). Kế đến mới là những bạn có kinh nghiệm học tập ở nước ngoài nhưng ở những nơi ông ít quen thuộc hơn (ví dụ tốt nghiệp thạc sĩ tại các nước phát triển ở châu Á). Cuối cùng là những bạn học trong nước hoàn toàn (thường từ các nước không quá ấn tượng trong mắt ông như Ấn, TQ, Iran hay châu Phi, Nam Mỹ), chưa có điều kiện học tập và lao động ở nước ngoài. Có bài báo đối với ông chỉ là một điểm cộng rất nhỏ. Có lẽ một phần vì quen với hệ thống đào tạo thạc sĩ ở châu Âu, nên với ông sinh viên thạc sĩ mà có nhiều paper là một cái gì đó rất đáng ngờ. Xưa mình là dạng đối tượng thứ 3, nên dẫu mình trả lời khi phỏng vấn tốt, nhưng ông vẫn rất lấn cấn vì chưa tuyển người ngoài bao giờ. Đến thời điểm ông nhận mình, ông chỉ dám cho mình hợp đồng đầu tiên có 6 tháng. Nếu trong 6 tháng đó mình làm không tốt thì sẽ không được ký tiếp hợp đồng. Và tất nhiên mình là trường hợp có hợp đồng ngắn nhất trong lịch sử lab vì là người nước ngoài đầu tiên. Các bạn khác đều có hợp đồng 1-2 năm ngay từ đầu. Chính ông cũng thừa nhận trong buổi đánh giá sau khi mình làm được 5 tháng là tuyển mình như một cuộc đánh cược. Sau khi sang Thụy Điển làm, ông có chia sẻ là hợp đồng đầu tiên ở bên đó tối thiểu phải 2 năm (để bạn sinh viên đó viết licentiate thesis) rồi mới đánh giá tiếp. Nên độ rủi ro khi tuyển nghiên cứu sinh ở Thụy Điển trong mắt ông là cao hơn.
Ngành mình ở Đức rất phát triển, nên số lượng sinh viên bản địa muốn theo học lên cao khá nhiều. Thêm vào đó, những giáo "thuần Đức" thường ít khi chơi với các đơn vị khác ngoài Đức, kiểu như Đức là một thế giới riêng vậy. Những giáo đó đều là những người nổi tiếng do nhiều paper chất lượng, nhưng số sinh viên quốc tế phải gọi là rất ít. Họ chỉ giao lưu trong nước với nhau, đăng bài cũng tập trung vào mấy tạp chí / hội thảo trong nước. Những tạp chí đó nhiều khi không có impact factor hay gì cả, nhưng chất lượng thì khỏi phải bàn. Khi viết báo quốc tế, họ cũng thường chỉ đọc và trích dẫn những nghiên cứu đến từ các lab ở Đức. Vì vậy ngoài thông tin tuyển dụng hầu như chỉ viết bằng tiếng Đức, sinh viên quốc tế cũng rất khó chen chân vào dẫu có biết tiếng đi nữa. Những giáo sư vốn không phải là người bản địa thường hay tuyển sinh viên quốc tế nhiều hơn, có lẽ một phần vì đồng cảm. Hoặc có khi là vì sinh viên bản địa không thích vào những lab đó vì tác phong làm việc không hợp hay đôi khi vì những thứ khó nói khác.
Túm cái quần lại, việc xin PhD jobs ở EU nhiều khi rất hên xui, có trường hợp rất dễ và có những trường hợp rất khó, vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào một người duy nhất là giáo. Tính cách, độ mở của giáo là những thứ không thể suy đoán được nếu bạn chưa có cơ hội làm việc cùng. Bản thân mình cũng may mắn vì năm đó không có bạn người Bỉ nào muốn ở lại làm PhD, không thì chắc thông tin tuyển dụng cũng chả có chứ đừng nói gì là tuyển người ngoài như mình. Việc xin trường lớn trường nhỏ khó dễ như thế nào đôi khi cũng không còn đúng với những suy nghĩ thông thường nữa. Xưa CV mình rất cùi (khi mới xong thạc sĩ ở BKHN) mà lại được hẹn phỏng vấn cho 1 suất PhD ở ETH Zurich, trường có thể nói là rank số 1 ở EU (không tính UK). Khi phỏng vấn, ông ấy có bảo là xưa đi du lịch ở VN, ông rất thích Đà Nẵng. Có lẽ vì thế mà có chút thiện cảm với ứng viên người Việt :)) Gặp ông nào đi du lịch VN mà bị móc túi thì tập xác định 🤣 Có thiện cảm là rất tốt, nhưng bạn cũng cần có chuyên môn ở mức "được" nữa thì mới có cơ hội. Thời điểm đó cả chuyên môn và tiếng Anh mình vẫn còn rất hạn chế, nên không được nhận. Về sau hồ sơ mình mạnh hơn nhiều mà xin nhiều trường unrank vẫn bị loại từ vòng gửi xe. Chả có gì chứng minh là vào top 2 cho một suất PhD ở ETHZ là sẽ xin được những trường rank thấp hơn cả. Trường mình học bên Bỉ cũng là trường khá lớn, mấy bạn làm ở các trường nhỏ hơn cứ nghĩ chắc mình giỏi lắm hay này nọ, trong khi chính mình xin mấy trường các bạn đó học mà không được rồi sau mới vào được trường lớn này 😂😂😂
Qua bài này không phải là mình khuyên các bạn trông chờ vào may rủi, vẫn phải cố gắng cải thiện chuyên môn nhằm nâng cao cơ hội, dẫu có trượt nhiều thì vẫn phải kiên trì chờ thêm yếu tố "đúng người đúng thời điểm" nữa. Vì nói gì thì nói, nâng cao trình độ cũng là thứ mà bạn muốn có khi xin PhD mà.
P/s: Khi làm PhD, các bạn có thể gặp những căng thẳng. Bạn căng thẳng một thì giáo căng thẳng gấp nhiều lần. Các giáo ngoài lo tiến độ dự án giống như bạn, còn phải lo đi kiếm fund mới, lo kiếm sinh viên phù hợp, lo hướng dẫn các bạn khác, lo việc giảng dạy... Nên với mình cũng dễ hiểu khi các giáo lại ưu tiên những bạn học thạc sĩ với ông ấy như vậy. Chỉ cần tuyển chọn sai một bạn, có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ quả về sau. Vì vậy sự lựa chọn an toàn là ưu tiên hàng đầu chứ đôi khi không phải vì kì thị hay này nọ. Mà có dù có kì thị phần nào đó đi chăng nữa cũng là điều dễ hiểu. Họ là những người sinh ra và lớn lên ở những nước phát triển, nên ít khi quan tâm đến phần còn lại của thế giới hơn. Ngay chính trong VN còn có sự kì thị giữa vùng miền, tỉnh này tỉnh nọ, đồng bằng và miền núi... thì làm sao tránh khỏi được sự kì thị từ những nước phát triển đối với một nước đang phát triển như VN chứ.
Khánh - 11/11/2021
Comments