top of page
Search
Writer's picturekhanhndice

1. Học bổng không chỉ dành cho mỗi học sinh giỏi

Updated: Feb 11, 2021


Khi nhắc đến học bổng du học, nhiều người nghĩ học bổng chỉ dành cho những học sinh / sinh viên có thành tích học tập nổi bật. Bản thân mình cũng đã từng có những suy nghĩ như vậy, nhất là khi còn đang học trung học và những năm đầu đại học. Càng về sau, qua những tìm hiểu về học bổng du học, mình nhận ra rằng những sinh viên có năng lực không quá xuất sắc cũng có thể chinh phục được những học bổng khác nhau.


Ảnh minh họa: nguồn Internet


Giới thiệu qua về bản thân mình, mình vốn xuất thân là một học sinh có học lực rất bình thường ở bậc trung học. Trong suốt 12 năm, mình chưa bao giờ được là học sinh giỏi. Thậm chí kỳ 1 của nhiều năm, mình còn không được học sinh tiên tiến vì điểm tổng kết không đủ hoặc là do có một số môn nào đó điểm trung bình dưới 5.0. Thi lên cấp 3, mình cũng không thi được vào trường công lập lớn nhất Vinh và rớt xuống hệ bán công của một trường khác. Dĩ nhiên mình lại càng không đủ học lực để thi vào các trường chuyên. Sau khi rớt xuống trường kia, do quen biết nên mình xin được vào lớp chọn ban A của hệ bán công, chứ nếu dựa vào kỳ thi đầu năm để phân lớp, chắc mình cũng không vào được.


Vào năm lớp 12, cũng như bao bạn học sinh cuối cấp khác, mình cũng tham dự các kỳ thi thử đại học được tổ chức bởi các trường cấp 3 cũng như đại học ở trong thành phố. Tổng điểm cao nhất trong số các lần thi thử của mình là 18 điểm, còn lại xung quanh từ 12.5 đến 14.5 điểm. Và trong tất cả các lần thi đó, điểm Hóa của mình chưa bao giờ quá 3 điểm. Chắc nói đến đây, một số bạn sẽ nghĩ là đề bài các kỳ thi đó rất khó, nên điểm mình mới thấp như vậy. Thực ra đề không hề khó, một người bạn mình biết (học cùng lớp học thêm Lý) được tổng điểm lên đến 29.5, trong khi mình chỉ được 14.5 điểm. Qua đây các bạn có thể thấy học lực của mình hồi trung học là rất bình thường chứ không có gì là ghê gớm cả.


Ở thời điểm đó, việc đỗ vào đại học lớn cũng là một thứ gì đó mà ít ai dám nghĩ tới, kể cả mình. Do nhiều may mắn về đề thi cũng như sự đầu tư ôn luyện mỗi môn Hóa suốt 2 tháng trước kỳ thi đại học, mình đỗ được vào 1 trường đại học lớn, Đại học Bách Khoa Hà Nội (BKHN). Năm đó đề Lý khó và tập trung vào những câu hỏi về quang học (thế mạnh của mình), trong khi đề Hóa thì lại dễ hơn so với mọi năm. Điều này giúp mình có được sự chênh lệch lớn về điểm Lý so với những bạn khác, và thua kém về điểm Hóa được thu hẹp lại.


Sau khi vào được BKHN, mình cũng không đủ điểm để có thể thi vào các lớp tài năng hay chất lượng cao, và nếu có đủ điểm thi, mình tin chắc cũng không thể nào đỗ được. Chỉ là sinh viên của hệ đại trà và học sinh trường thường hồi cấp 3, mình cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm nhất. Mình thi lại tới 7 môn trong năm đó, và nhiều môn mình phải học lại vào năm sau. Thời điểm đó, việc phân chuyên ngành của BKHN dựa vào điểm thi lần thứ nhất của các môn học trong năm đầu tiên. Với con số 7 môn thi lại (điểm thi dưới 5) thì điểm dùng để xét nguyện vọng chuyên ngành của mình là cỡ 4.5. Với điểm số như vậy, mình biết chắc chắn mình không thể vào được những ngành "hot" như Cơ Điện Tử hay Công Nghệ Chế Tạo Máy ở khoa Cơ Khí (lĩnh vực mình yêu thích ở thời điểm đó), mình chuyển hướng sang ngành Ô tô thuộc Viện Cơ Khí Động Lực. Thật tiếc là mình cũng không đủ điểm vào ngành Ô tô luôn (năm đó điểm chuẩn ngành Ô tô lấy cỡ 4.6 - 4.7 gì đó). Mình "rớt" xuống ngành Động Cơ Đốt Trong, cũng trực thuộc Viện Cơ Khí Động Lực.


Học một ngành không hot, điều mình mong muốn ở thời điểm đó chỉ là cố gắng tốt nghiệp đúng hạn với tấm bằng Khá để sau còn ra trường xin việc. Về sau mình tốt nghiệp với điểm số 7.59 (theo hệ 4 là cỡ 2.8-2.9) và tổng 10 môn thi lại trong 5 năm. Du học là một thứ gì đó xa xỉ với bản thân mình vì ngoài điểm số không cao, tiếng Anh của mình còn rất tệ. Đến hè năm thứ tư, mình mới bắt đi học thêm tiếng Anh lần đầu tiên. Lần đầu thi IELTS của mình là được 5.0 (sau khi tốt nghiệp đại học được 1 năm). Với những hành trang như vậy, mình vẫn có thể xin được những học bổng toàn phần cho việc du học hệ sau đại học. Mình đã từng thấy nhiều bạn lên các diễn đàn du học như VietPhD hỏi về trường hợp cá nhân. Hầu hết các bạn ấy đều có CV rất đẹp, điểm tổng kết hầu hết trên 8 phẩy hệ 10 (hay trên 3.2 hệ 4), IELTS cỡ 6.5 trở lên, xếp hạng cao trong cách ngành hot ở BKHN, thậm chí là học lớp kỹ sư tài năng. Với những CV long lanh như vậy, mà các bạn cũng không biết phải làm gì, nên apply học bổng nào...


Những học bổng mình được tất nhiên cũng không phải là những học bổng gì quá danh giá, tuy nhiên có nhiều bạn giỏi hơn mình rất nhiều nhưng lại đi theo những học bổng còn có phần kém hơn, đi học những trường kém danh tiếng hơn... Mình nghĩ vấn đề này liên quan đến sự thiếu thông tin, khiến không tự đánh giá được năng lực của mình..., dẫn đến những cá nhân xuất sắc lại chưa nhận được những gì xứng đáng với năng lực. Dĩ nhiên nếu chỉ tập trung vào những học bổng quá khó nhằn, sự thất bại trong việc nộp hồ sơ có thể dẫn đến những sự nản chí về sau. Tuy nhiên, việc đánh giá đúng năng lực bản thân là rất quan trọng. Qua bài viết này, các bạn có thể có những so sánh về năng lực với mình, và nếu các bạn có CV tốt hơn, không có lý do gì các bạn lại không xin được học bổng, không đi học được những trường danh tiếng hơn những trường mình đã theo học.


Hơn 10 năm về trước, nếu có ai đó gặp mình và tiên đoán mình sẽ đi du học, làm tiến sĩ ở châu Âu với học bổng toàn phần, chắc chắn mình sẽ nghĩ người đó bị điên. Giờ thì điều điên rồ đó đã thành hiện thực nhờ có những định hướng đúng đắn trong việc đi du học. Nếu các bạn không phải là những cá nhân quá xuất chúng thì các bạn vẫn có thể tiếp tục giấc mơ du học với những học bổng phù hợp. Mình sẽ chia sẻ về con đường đi học của mình trong một bài post khác. Hy vọng bài viết này có thể tạo một chút động lực cho các bạn đang phân vân về năng lực của mình. Hãy tự tin!


Khánh - 14/11/2020

124 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page