Khi nhắc đến tốt và xấu, thiện và ác, chính và tà, người ta thường dựa trên một số tiêu chuẩn tiêu chí cá nhân để đánh giá. Với một số người, điều này là tốt, nhưng ngược lại điều đó lại là điều xấu với một số người khác. Không đề cập đến những yếu tố mang tính chất phạm pháp, sự phân biệt giữa tốt và xấu là vô cùng khó khăn và nó không thể là quy chuẩn cho tất cả mọi người. Mình là fan của truyện "Hiệp Khách Giang Hồ", trong truyện cũng có những câu nói mà mình nghĩ sẽ phù hợp với bài viết này. Trong truyện đó, có một câu nói rất hay đến từ nhân vật chính: "trên thế gian này không có kẻ ác, chỉ có những con người có suy nghĩ khác nhau cùng sống thôi". Trong mắt chính phái thì tà phái là lũ ô hợp, đâm thuê chém mướn, hay nói chung là kẻ ác. Trong khi chính phái trong mắt tà phái thì lại là tụi ra vẻ tốt đẹp, chuyên ra rả đạo lý nhưng thực chất cũng không tốt đẹp gì. Đây thực chất là sự mâu thuẫn trong tư tưởng. Khi có bất kỳ sự mâu thuẫn nào, thì một bên sẽ nghĩ phía còn lại là người xấu và ngược lại. Mối quan hệ giữa giáo sư và sinh viên cũng như vậy. Mình chưa có cơ hội tiếp xúc với quá nhiều giáo, tuy nhiên cũng có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này, nối tiếp các bài viết liên quan đến giáo sư mà mình đã đăng trước đó (blog #6 và blog #7).
Ảnh minh họa: Blogtruyen
Đầu tiên hãy thử định nghĩa giáo tốt và giáo xấu trong mắt của sinh viên xem như thế nào:
- Giáo tốt:
trả lương cao, tận tâm nhiệt tình khi sinh viên cần, không soi mói công việc, không thúc ép công việc quá nhiều, luôn vui vẻ, không quát mắng sinh viên, support hết mình cho việc thí nghiệm của sinh viên (mua sắm thiết bị), cho sinh viên đi dự hội thảo lớn thường xuyên, mời sinh viên đi ăn hay du lịch, chỉnh sửa paper/thesis cẩn thận, cho sinh viên đứng đầu danh sách authors, linh động trong công việc, tận tình giúp đỡ sinh viên khi sắp tốt nghiệp (giới thiệu đến những chỗ quen với fully funded), vân vân mây mây...
- Giáo xấu:
trả lương thấp hay thậm chí không trả mà thúc ép công việc không ngừng nghỉ, không có hợp đồng rõ ràng, soi mói giám sát công việc của sinh viên, suy nghĩ bảo thủ, tính tình đồng bóng, phân biệt đối xử giữa sinh viên quốc tế và sinh viên bản địa, không tin tưởng sinh viên, không giúp ích gì cho việc viết paper/thesis, hay chém gió, không tạo điều kiện cho sinh viên phát triển tương lai (không cho tốt nghiệp dù kết quả đã khá ổn, không ký thư giới thiệu...), mắng chửi sinh viên với những từ ngữ nặng nề...
Còn đối với góc nhìn từ phía những giáo sư (người Á), một sinh viên tốt là sinh viên không đòi hỏi về mặt lương bổng, chăm chỉ làm việc, ngoan ngoãn, lên lab bất cứ khi nào giáo cần, làm đủ thứ việc giáo giao, trung thành gắn bó lâu dài, viết nhiều papers với tiếng Anh tốt, etc.
Đấy chỉ mới đề cập đến việc đánh giá đối tượng còn lại qua góc nhìn từ một phía mà chưa nói đến việc tự định nghĩa như thế nào là một sinh viên (đủ) tốt, là một giáo sư tốt từ chính những người này. Với nhiều giáo, họ nghĩ phải dành thời gian đủ nhiều cho sinh viên (ví dụ meeting 1-2 tuần một lần) thì mới gọi là quan tâm tới sinh viên, nhưng cũng có những người nghĩ cho sinh viên tự bơi, chỉ can thiệp khi cần mới là tốt. Nói chung việc định nghĩa tốt hay xấu thì tùy độ phù hợp giữa sinh viên và giáo.
Khi xưa mình sang Đài học, mình chọn giáo vì hướng nghiên cứu thay vì tìm hiểu tính cách. Do ngành mình cũng ít trường quan tâm, nên số lượng giáo sư có nghiên cứu về mảng này không nhiều. Khi tìm thấy giáo này, mình chỉ quan tâm đến nơi tốt nghiệp Ph.D., và ông vẫn còn làm về mảng của mình. Ở Đài, sau khi nhập học, bạn phải chọn giáo hướng dẫn cho mình ngay từ đầu (ít nhất với ngành kỹ thuật). Mình lên tìm giáo và được giáo giới thiệu cơ sở vật chất, sinh viên trong lab và một số điều luật nếu join vào lab này (ví dụ bao nhiêu meeting/tuần, lương bổng khoảng tầm nào...). Mình đã đề nghị giáo ký ngay vào form xác nhận giáo hướng dẫn. Ông hỏi lại mình một câu: "mày chắc chưa?". Dĩ nhiên là mình trả lời có, và sau thì ông ấy thành giáo hướng dẫn chính thức của mình. Một số bạn khác thì đi gặp 1 vài giáo rồi mới quyết định tùy thuộc xem mức hỗ trợ, hướng nghiên cứu, ..v..v.. Sau khi "ván đã đóng thuyền" được tầm 2 tuần, mình vô tình gặp 1 anh người Việt cũng học cùng khoa với mình. Anh có hỏi giáo sư của mình là ai. Sau khi mình trả lời GS. ABC, thì anh ấy hỏi mình thêm 1 câu: "bây giờ có đổi giáo sư được không?". Lúc đó mình cũng không biết chuyện gì, gặng hỏi thêm thì anh ấy bảo giáo mình nổi tiếng xấu tính, không sinh viên nào muốn vào lab của ông ấy cả.
Càng về sau, mình bắt đầu thân hơn với các bạn trong lab, lại có nhiều bạn mới ... quay lại lab sau một thời gian bỏ đi vì mâu thuẫn với giáo trước kia, thì mới nhận được nhiều chia sẻ hơn. Những buổi meeting nhiều khi rất căng thẳng do giáo nóng tính, nói rất to tiếng và dùng những từ ngữ rất nặng nề, chủ yếu là tiếng Trung với các bạn người bản địa. Lab mình chỉ có 1 bạn nữ (người Indo), nên có hôm meeting chỉ toàn là con trai (tùy topic của buổi meeting). Hôm đó có ba người báo cáo, mình là người cuối cùng. Bạn đầu tiên lên báo cáo tiến độ hàng tuần, nhưng giáo rất tức giận với tiến độ của bạn ấy làm. Mình không rõ giáo đã nói những gì do mình không biết tiếng, nhưng qua thái độ là đủ thấy rất gay gắt. Sau khi bạn đó xong, người tiếp theo báo cáo thì bạn đó ngồi khóc ở phía dưới. Nên nhớ bạn này là một bạn nam, tính tình rất hiền lành. Sau đó một tuần, bạn ấy bỏ đi và đến khi mình rời Đài, bạn ấy vẫn chưa quay lại. Trước khi mình đến đây, cũng đã có rất nhiều người bỏ đi như vậy. Một số người quay lại, một số thì không. Giáo mình về trường được tầm 10 năm mà cũng chỉ mới có tầm từng đó bạn tốt nghiệp thạc sĩ từ lab mình, và chỉ 2 người tốt nghiệp trong vòng 2 năm. Với một trường đại học lớn như NCKU, thì số lượng trung bình 1 người tốt nghiệp thạc sĩ/năm là quá ít. Tiến sĩ thì dĩ nhiên chưa có ai (và khả năng là không có ai). Nghe kể rằng trước đây từng có một người làm được 3 tháng sau rồi bỏ vì không chịu nổi. Ngay trước khi mình rời lab, mình có hướng dẫn một bạn làm research assistant dùng phần mềm. Bạn đó mới làm được 2 ngày thì cũng bỏ đi. Sau mới biết rằng ở chiều hôm trước, giáo có meeting với 1 bạn khác và lại chửi nặng nề bạn đó. Bạn research assistant lúc này ngồi trong lab nghe thấy, và đã rất sợ. Điều đó khiến bạn ấy quyết định rời bỏ lab ngay vào ngày hôm sau.
Ngoài vấn đề về tính tình của giáo, ông còn kha khá các vấn đề khác như thích kiếm soát sinh viên (bắt lên lab gần như tất cả các ngày trong tuần vì với ông hiệu quả được quy bằng thời gian ở trên lab, tuần meeting 1-2 lần, mỗi lần meeting ông lại đưa ra các tasks mới mà ông nghĩ là nên làm, set deadline cho từng task một...), không tin tưởng sinh viên vì ông coi sinh viên là người vẫn còn phải đi học. Các thí nghiệm đo đạc quan trọng trong lab, ông luôn cố gắng có mặt để giám sát sinh viên, đảm bảo không có gì sai. Về sau bận quá, ông ... lắp camera trong phòng lab để theo dõi từ xa. Hay khi sinh viên có định hướng khác cho thesis thì gần như bị gạt đi, và ông cho rằng định hướng mà ông đưa ra là tốt nhất. Điều đáng nói là nhiều nghiên cứu ông nhận dự án từ công nghiệp chủ yếu để lấy thêm kinh phí, nhưng không nằm trong chuyên môn sâu của ông. Dẫn đến nhiều định hướng giáo giao cho sinh viên không hoàn toàn đúng hướng. Mình cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi giáo giao việc cho mình, nhưng vì thấy hướng đó bế tắc nên mình đề xuất hướng mới. Giáo bảo cũng hay, nhưng nên tập trung vào cái của ông giao thì tốt hơn. Cũng may mình làm mô phỏng, hoàn toàn chủ động được công việc của mình. Mình đã âm thầm làm cái ý tưởng của mình, trong khi vẫn làm cái giáo bảo để báo cáo hằng tuần. Về sau khi có kết quả tốt với cái kia, mình show ra trong một buổi meeting và chứng minh với giáo rằng nó hay hơn. Kể từ đó mình mới đi theo được hướng đó và về sau kết quả mô phỏng đó được dùng để viết thesis, và mình là người thứ 3 trong lịch sử tốt nghiệp trong vòng 2 năm.
Nói vậy chứ giáo mình vẫn còn có vài điểm tốt, không hoàn toàn là xấu. Đầu tiên là ông có trả lương cho sinh viên khá đầy đủ dẫu rằng từng ép sinh viên cắt lương nếu hiệu quả công việc không cao. Năm thứ 2 khi mình quen việc hơn, làm nhiều projects một lúc thì ông cũng cho mình 2 lương từ 2 dựa án khác nhau, thu nhập hàng tháng của mình tăng lên. Thứ hai là tuy ông nóng tính, nhưng được cái dịu đi rất nhanh và không để bụng. Ông sáng nay có thể mắng xối xả sinh viên, nhưng chiều là lại cười đùa ngay được. Nhiều sinh viên bỏ ông đi (khiến nhiều dự án tạm dừng) sau rồi quay lại, ông cũng chả vấn đề gì. Ông cũng tích cực sửa paper cho sinh viên, cho sinh viên làm tác giả chính (đứng đầu). Đầu năm hay cuối năm đều dẫn cả lab đi ăn những chỗ sang chảnh (điều này so với các giáo ở Hàn thì chắc không là gì, nhưng cũng không đến nỗi so với một số nơi khác). Và về sau khi mình sắp tốt nghiệp, biết mình muốn đi châu Âu làm tiến sĩ, cũng đã giới thiệu mình cho giáo bạn ở trường Umea để sang làm Ph.D. với học bổng toàn phần (chứ không phải giới thiệu để giáo bên kia nhận hướng dẫn đơn thuần), dẫu thời gian đầu khi mình đề cập vụ đi học chỗ khác, xin thư giới thiệu... thì ông cũng không thích lắm. Thấy mình cũng trượt nhiều suất, giáo cũng bảo ở lại làm Ph.D. với ông, 2 bài SCI là ra trường và bảo với năng lực của mình thì chỉ tầm 3 năm là xong. Mình thì vẫn thích đi châu Âu nên bảo nếu mình được suất Ph.D. nào giữa chừng, tao đi có được không. Sau thì ông cũng OK, ít ra cũng không đến mức quá cứng nhắc.
Trong suốt 2 năm ở đó, mình bị chửi không nhiều và nặng nề bằng các bạn người Đài khác, không rõ có phải vì chửi tiếng Anh không thuận bằng chửi tiếng Trung hay không nữa :)) Nhưng đối với mình, càng về sau mối quan hệ hai người càng tốt lên. Có lẽ vì sau đó mình quen việc, làm ra nhiều kết quả hay ho. Ông cũng thêm phần tin tưởng vào năng lực của mình khi làm được nhiều projects một lúc. Thậm chí còn bảo mình đưa ra ý tưởng đề cương để xin tiếp dự án công nghiệp sau khi mình làm xong. May mắn sao, công ty đối tác cũng hứng thú với ý tưởng đó và tiếp tục ký hợp tác, và phần việc mới sẽ được giao cho bạn sinh viên kế tiếp. Dĩ nhiên mình chịu trách nhiệm đào tạo bạn đó để tiếp tục phần việc này.
Đối với cá nhân mình thì giáo mình tuy không thể được gọi là giáo tốt, nhưng ít ra cũng không quá xấu. Nếu mình tiếp tục ở lại làm Ph.D. thì chắc cũng không quá khó khăn như thời gian đầu học thạc sĩ. Với một số người dễ "mủi lòng" thì chắc đã ở lại làm tiếp vì nghĩ mình đã mang ơn giáo nhận, giáo hướng dẫn và trả tiền nuôi sống mình suốt hai năm qua, và mình ở lại để đền đáp. Với mình thì không nhìn nhận như vậy. Đúng là giáo đã giúp đỡ mình nhiều, nhưng mình cũng đã làm lại cho giáo không ít. Mối quan hệ giáo sư - sinh viên hay chủ - tớ thực chất là mối quan hệ win - win. Bạn nghĩ bạn là sinh viên, và bạn được hưởng lợi nhiều thứ, nhưng những gì giáo sư cũng nhận được không hề nhỏ. Bạn cần phải có suy nghĩ rộng hơn, thay vì kiểu gói gọn trong góc nhìn của mỗi bản thân mình như vậy. Nhiều người bạn của mình gặp được những giáo tốt (về mặt tính cách), và cũng đã từ bỏ hoài bão đi làm Ph.D. ở một nơi khác để tiếp tục ở lại. Đúng là những giáo đó tốt (ở một mức độ hay theo một tiêu chí nào đó), nhưng đôi khi bạn ấy thấy vậy chỉ vì bạn ấy chưa được tiếp xúc với những giáo tốt hơn mà thôi.
Ảnh minh họa: Blogtruyen
Khi mình sang Bỉ làm Ph.D., giáo hướng dẫn mình cũng trẻ, same same tuổi với giáo người Đài, nhưng với mình thì giáo này là một người tuyệt vời. Không rõ có phải vì sự khác biệt trong văn hóa hay không, Nho giáo và tự do dân chủ, mà quãng thời gian làm Ph.D. của mình ở Bỉ là khoảng thời gian mình thấy thoải mái nhất. Giáo không hề kiểm soát các nghiên cứu sinh của ông, luôn tin tưởng sinh viên, nhưng khi cần vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ khi sinh viên cần. Mối quan hệ giữa hai người chỉ như là đồng nghiệp, một người nhiều kinh nghiệm chia sẻ với người ít kinh nghiệm hơn. Từ chỗ meeting với tần suất 2 lần / tuần ở Đài, sang đây mình meeting với giáo 1 lần / tháng, và thậm chí quãng thời gian ở năm thứ 3, mình meeting với giáo vài tháng 1 lần. Với quãng thời gian dài hơn, bạn không phải chịu một áp lực phải có kết quả gì đó trong vòng vài ngày như xưa nữa. Thậm chí nếu chưa có kết quả gì mới, giáo cũng hoàn toàn bình thường vì đó là đặc thù của làm nghiên cứu, nhất là trong khoảng thời gian đầu. Và dĩ nhiên ông không (dám) chửi sinh viên bao giờ, nếu không thì bị tụi sinh viên nó kiện cho mất việc không chừng. Vì nghiên cứu sinh ở châu Âu được coi là một nhà nghiên cứu trẻ, nên nhận lương như đi làm bình thường. Cũng vì được coi là lương nên nó cao hơn phần lớn các loại học bổng. Tiền nhiều, thời gian làm việc linh hoạt, nhiều ngày nghỉ phép, không phải lên lab vào cuối tuần, lại không quá nhiều áp lực..., đó đúng là môi trường làm việc mà mình từng mơ ước.
Nhưng cũng vì được coi là nhà nghiên cứu trẻ, nên bạn cần có sự độc lập nhất định trong công việc dẫu bạn có nhận lương từ dự án của giáo. Nếu bạn là người có nhiều ý tưởng, có đủ năng lực nhất định và có sự chủ động trong công việc, thì đây đúng là môi trường phù hợp. Với những ai quen kiểu đào tạo thầy bảo trò nghe, hoặc kinh nghiệm nghiên cứu không nhiều, cũng như không có sự sáng tạo, bạn rất dễ bị lạc lối ở đây. Mình đã từng gặp nhiều người mong muốn giáo giao việc, kèm cặp như ở châu Á thay vì cho "tự bơi" như bên này. Ngay chính giáo Bỉ của mình cũng thừa nhận là đôi khi không biết tần suất meeting với sinh viên của ông có ít quá hay không, khiến một số người gặp khó khăn hoặc thấy mất phương hướng. Mình thì bảo là không, bảo là làm việc với ông rất thoải mái, tần suất như thế là đủ. Ông lại bảo vì mình là dạng không cần hướng dẫn (nhiều), nhưng không phải ai cũng giống mình. Nói chung lại là việc giáo tốt hay giáo xấu còn tùy định nghĩa của từng người, tùy độ phù hợp về mặt năng lực, tính cách cũng như cách quản lý giữa sinh viên và giáo sư.
Qua bài viết này, mình đã chia sẻ về hai giáo hướng dẫn của mình, và hai giáo này có thể được coi là hai ví dụ cho giáo xấu và giáo tốt. Khi bạn gặp những giáo mà bạn cho là xấu, bạn cũng nên để ý đến những gì mình đã làm. Nếu bạn làm việc tốt (cái này cần có sự đánh giá khách quan), khéo léo trong mối quan hệ mà giáo vẫn khó chịu thì cũng nên tìm hiểu các lựa chọn khác. Còn nếu bạn làm không tốt như giáo kỳ vọng, hay thái độ không đúng mực thì cũng rất khó trách mỗi giáo sư. Như mình đã nói mối quan hệ giáo sư - sinh viên là win - win. Chỉ cần một bên không win thì mối quan hệ này sớm muộn gì nó cũng đổ vỡ. Dĩ nhiên tiêu chí win của từng bên là khác nhau, nhiều giáo rất tốt hỗ trợ hết sức có thể nhưng không đáp ứng được những tham vọng của sinh viên thì việc sinh viên đó đi tìm những chân trời mới là điều khó tránh khỏi. Sinh viên Việt Nam luôn đề cao vấn đề "tôn sư trọng đạo", dẫn đến đôi khi nhận những thiệt thòi về phía mình mà không biết, thậm chí có phần cam chịu. Nhiều giáo Việt Nam (và châu Á) cũng vì đó là luôn cho rằng mình là người "bề trên" nên có quyền "bóc lột" sinh viên với những mức hỗ trợ ít ỏi, nhưng vẫn luôn nghĩ sinh viên phải biết ơn sự hướng dẫn của mình. Xã hội này dẫu không hoàn toàn công bằng, nhưng nếu những gì bạn nhận lại không xứng với những gì bạn bỏ ra thì hãy đi tìm chỗ khác xứng đáng hơn, không có gì phải đắn đo khi đi tìm "mưu cầu hạnh phúc" của chính bản thân mình.
Ảnh minh họa: Blogtruyen
Khánh - 04/12/2020
Comentarios