Trong bài viết trước mình đã chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm giáo sư, tuy nhiên nó chỉ dừng lại ở thông tin cá nhân giáo cũng như một số thông tin để contact nhằm xin đi học. Ở bài này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình để phần nào đánh giá năng lực của giáo sư, qua đó nhiều bạn có thể có những sự lựa chọn để tìm một giáo phù hợp với tham vọng của mình (nếu bạn có sự lựa chọn). Những kinh nghiệm này mình áp dụng cho ngành mình, có thể sẽ không phù hợp với một số ngành đặc thù khác, và hiển nhiên nó không thể dùng để đánh giá tính cách con người giáo sư đó.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Thông thường khi muốn đánh giá năng lực của 1 vị giáo sư nào đó, người ta thường dựa vào hai yếu tố chính: CV và papers. Mình thì hoàn toàn đồng tình với 2 yếu tố này, tuy nhiên cần có những tìm hiểu sâu hơn nhằm có những so sánh chuẩn xác hơn. Mình cũng sẽ bổ sung thêm một vài phương pháp khác để biết được giáo nào nổi tiếng trong lĩnh vực của mình.
Dựa vào CV của giáo sư
Khi tìm hiểu giáo nào đó, yếu tố nơi giáo tốt nghiệp Ph.D. khá là quan trọng. Ở châu Á, yếu tố này lại thêm phần quan trọng vì nó có thể phản ánh một phần năng lực ngoại ngữ của giáo. Ví dụ ở Hàn hoặc Đài, tốt nghiệp Ph.D. ở Mỹ/Anh/Úc là một sự đảm bảo về mặt tiếng Anh của giáo, khi đó việc trao đổi chuyên môn trong quá trình học sẽ dễ dàng hơn. Nhiều giáo tốt nghiệp Ph.D. ở trong nước hay ở Nhật, sau đó làm sau tiến sĩ ở các nước nói tiếng Anh nhưng vẫn có nhiều người vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp. Còn về năng lực thì rất khó đánh giá qua trường tốt nghiệp, dẫu rằng luôn có sự "thiên vị" nhất định với các giáo tốt nghiệp Ph.D. từ các trường lớn, nhất là ở Mỹ. Dù gì thì việc xin vào được và tốt nghiệp được từ những trường top như MIT, Stanford, UC Berkeley... luôn là 1 chứng chỉ về mặt năng lực. Ở Mỹ, ngoài dựa vào ranking tổng của trường, cũng nên tìm hiểu xem trường nào có quy mô nhỏ, tuyển sinh ít mà rank vẫn cao thì chứng tỏ đó là những trường rất "danh giá", ví dụ như Caltech, Rice, CMU, Princeton...
Tuy nhiên trường lớn không đồng nghĩa với lab mạnh, ví dụ ngành mình thì MIT không thể so sánh với Wisconsin-Madison, dẫu rằng ngành US News ranking về cơ khí nói chung thì MIT hoàn toàn vượt trội. Khi tìm hiểu về giáo, bạn nên search thêm về giáo sư hướng dẫn của giáo đó, xem đó có phải là giáo sư nổi tiếng hay không. Những giáo nổi tiếng thì luôn khắt khe hơn trong việc tuyển sinh viên, vì quá nhiều người muốn join vào lab của ông ấy. Tuy nhiên để biết được điều này thì bạn cần biết cách ... đánh giá năng lực giáo sư trước, hehe.
Mình thì luôn ưu tiên các giáo có thời gian làm postdoc ở ít nhất một đơn vị nào đó trước khi bắt đầu làm giáo sư vì giáo có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu hậu tiến sĩ, làm nhiều dự án khác nhau, bắt đầu có kinh nghiệm hướng dẫn cũng như network sẽ rộng hơn. Nếu như đơn vị đó là các phòng thí nghiệm quốc gia (ở Mỹ) hoặc các trung tâm chuyên ngành thì sẽ được đánh giá cao hơn vì ở đó thường có những dự án lớn từ chính phủ, việc tuyển dụng postdoc (có vẻ) khó khăn hơn. Vì ngành mình là ngành công nghiệp nặng, nên nếu giáo có thêm kinh nghiệm làm R&D một vài năm ở các công ty ô tô lớn, đó cũng là một điểm cộng.
Trước khi chuyển qua mục đánh giá dựa trên papers của giáo, bạn cũng có thể soi thêm danh mục giải thưởng giáo từng đạt được. Hãy đánh giá dựa trên các giải thưởng lớn ở trong ngành hẹp của bạn, ví dụ ngành mình là từ hiệp hội kỹ sư ô tô quốc tế (SAE International) hoặc viện cháy (Combustion Institute). Danh sách những cựu sinh viên của giáo cũng nên tìm hiểu, xem họ đã và đang làm gì. Sự thành công của cựu sinh viên (làm giáo sư tại các trường đại học khác hoặc làm việc cho các công ty lớn) cũng là một yếu tố đảm bảo cho danh tiếng của giáo sư hướng dẫn. Danh sách các dự án lớn giáo tham gia cũng là một điểm cần lưu tâm, tuy nhiên những thông tin như thế này thường ít được công khai hơn. Yếu tố cuối cùng và có lẽ chỉ phù hợp với châu Á, nơi có kỳ thi đại học, là ... ngôi trường giáo học hệ đại học. Những giáo tốt nghiệp đại học ở các trường lớn như SNU, KAIST ở Hàn, hay NTU ở Đài... luôn là những người có học lực giỏi. Dĩ nhiên học giỏi hồi cấp 3 hay đại học thì không có nghĩa sẽ giỏi hơn về sau, nhưng đó cũng là một yếu tố có thể xem xét khi so sánh các giáo với nhau.
Dựa vào papers của giáo
Đây là thông tin mà nhiều người hay dùng nhất để đánh giá một người làm nghiên cứu. Tuy nhiên phần lớn mọi người chỉ dựa vào số lượng bài báo, hệ số ảnh hưởng (impact factor - IF) của những tạp chí đó và đặc biệt là số lượng trích dẫn trên Google Scholar. Dĩ nhiên đó cũng là một yếu tố, tuy nhiên với sự "mafia" của nhiều giáo, nhất là giáo người (gốc) Á hay Ả Rập, những chỉ số này không còn đáng tin nữa. Nếu bạn có kỹ năng đủ tốt, có thể đánh giá thông qua việc đọc các papers của giáo thì dĩ nhiên là tốt nhất. Tuy nhiên với những bạn đang tìm cách đi du học thì kỹ năng này chưa cao, nên cũng rất khó đánh giá. Theo mình nếu không biết được bài báo như thế nào là tốt, tạp chí nào là tạp chí xịn (không dựa vào IF) thì có thể đánh giá qua tựa đề của bài báo. Không nên tin tưởng những giáo có quá nhiều bài review. Viết bài review dĩ nhiên không dễ, nhưng đó cũng là cách những người không làm nghiên cứu được, và đành dùng kết quả của người khác để có báo. Viết bài review vừa không đòi hỏi những nghiên cứu thực chất, không phải thí nghiệm, mà sau này lại có nhiều trích dẫn hơn. Mình từng biết nhiều giáo không có những nghiên cứu đích thực nào về một chủ đề nhất định, nhưng vẫn đăng được kha khá bài review về lĩnh vực đó. Mỗi bài title thay đổi một ít, tập trung vào một mảng nhỏ của cái topic đó rồi viết bài. Tất nhiên những bài đó thì đăng trên các tạp chí khác nhau. Mình vẫn nghĩ những người làm nghiên cứu nổi tiếng nên có một vài bài review về chủ đề họ đã làm. Thường những review paper này là được các tạp chí danh tiếng mời dựa trên danh tiếng của họ thông qua những original articles của ông ấy trong những năm về trước.
Khi xem danh sách các bài báo của giáo, tìm kiếm bài original article nào có nhiều trích dẫn nhất, rồi tìm hiểu những trích dẫn đó đến từ đâu. Nếu phần lớn là các trích dẫn từ chính ông ấy thì cũng không nên tin tưởng lắm, dẫu biết việc tự trích dẫn bài của mình là điều khó tránh. Nếu có nhiều trích dẫn từ đồng nghiệp hay những người cùng quốc gia với ông ấy thì cũng cần xem xét kỹ, vì nhiều khi đó chỉ là những trích dẫn mang tính "ủng hộ" cho gà nhà. Cẩn thận hơn nữa bạn có thể xem các bài báo đó trích dẫn bài của ông ấy như thế nào, nếu chỉ là dạng "liệt kê" các tài liệu tham khảo vào trong mục Introduction cùng hàng loạt các papers khác thì cũng không nên đánh giá quá cao. Hay kết quả đo đạc một vài thông số cơ bản của giáo (cùng nhiều nghiên cứu khác) được dùng cho mục đích so sánh đối chiếu kết quả mô hình mô phỏng của các nghiên cứu khác thì cũng với mình cũng không quá đặc biệt. Ví dụ ngành mình có những bài thực nghiệm đo tốc độ cháy tầng (laminar burning velocity) của một số nhiên liệu ở các điều kiện khác nhau với các phương pháp khác nhau. Những bài như thế này thường khá chán, nhưng kết quả đo được lại là thông số mà dân nghiên cứu về cơ chế phản ứng (reaction mechanism) dùng để đối chiếu với mechanism mà họ phát triển ra, vì vậy được trích dẫn rất nhiều. Một số trường hợp khác là những nghiên cứu mang tính "địa phương", phương pháp làm thì không có gì đặc biệt, chỉ là có những yếu tố khiến nó không giống những nghiên cứu khác (ví dụ như nghiên cứu về khí thải xe buýt Hà Nội - điều này không khác nhiều về mặt phương pháp so với xe buýt ở các thành phố khác trên thế giới). Những kiểu nghiên cứu này mình cũng không đánh giá quá cao.
Cá nhân mình thích những bài có những nghiên cứu đột phá, tìm ra được một kiến thức cơ bản gì đó mới mà trước đó chưa ai làm được, hoặc một phương pháp mới nhằm giải thích một số hiện tượng diễn ra khi thực nghiệm. Những bài kiểu này thường được trích dẫn riêng lẻ và đề cập cụ thể đến finding hay phương pháp mà nghiên cứu đó đã tìm ra. Giáo nào có những bài kiểu như thế này thì mình thường đánh giá rất cao, kiểu như ông ấy là người tiên phong trong một lĩnh vực nào đó, là người đầu tiên tìm ra những phát hiện mới ảnh hưởng đến những nghiên cứu sau này. Tuy nhiên số giáo có những nghiên cứu kiểu này không nhiều, nên cơ hội để được làm với những giáo như thế này cũng rất ít.
Các phương pháp khác
Nếu khó khăn trong việc tìm được giáo nào có những nghiên cứu dạng breakthrough như vậy, thì có thể dựa vào các hiệp hội / tổ chức chuyên ngành, ví dụ như SAE International và Combustion Institute trong ngành mình (đã đề cập ở trước). Bạn có thể dễ dàng tra ra được danh sách những người được vào nhóm fellow của các tổ chức này, chắc chắn đây là những nhà khoa học uy tín. Số lượng những nhà nghiên cứu này dĩ nhiên là cũng rất ít và phần lớn là khá lớn tuổi, nhưng có thể tìm hiểu những học trò cũ của các giáo này cũng như các co-authors của ông ấy và những người này hiện đang làm giáo sư tại các trường đại học khác. Phương pháp này khá giống với tìm thế hệ F0 nổi tiếng từ các tổ chức, và truy dần ra các thế hệ F1 hay F2 tiếp theo :D
Ngoài ra cũng có thể tìm danh sách các giáo nổi tiếng qua một số hội thảo lớn trong ngành hẹp. Thường các hội thảo sẽ có các keynote speakers vốn được mời để báo cáo tại các hội thảo này, dĩ nhiên những speakers này cũng có những danh tiếng nhất định. Có thể xem xét thêm danh sách program committee members, các session chairs hoặc board of directors của những hội thảo này, dù nhiều khi những danh sách này bao gồm khá nhiều suất đến từ "chủ nhà" - nơi tổ chức hội thảo.
Cá nhân mình thấy các giáo nổi tiếng thường hay đi dự hội thảo (lớn), vì ở đó có những nghiên cứu mới chưa được công bố rộng rãi, được gặp gỡ nhiều đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực, và có cơ hội gặp gỡ trao đổi hợp tác với nhiều người khác. Vì phần lớn những người làm nghiên cứu ở các nước đang phát triển đánh giá các bài báo trên tạp chí cao hơn (vì có hệ số IF), nên họ chỉ tập trung đăng báo trên các tạp chí thay vì đi dự hội thảo. Mình đã từng nộp vài bài ở những hội thảo lớn, cá nhân mình thấy chất lượng reviewers ở các hội thảo này cao hơn so với phần lớn các tạp chí mình đã từng nộp. Nên sau khi đủ điều kiện ra trường (2 bài báo SCI), thì giáo mình luôn khuyến khích mình nộp hội thảo lớn vì chất lượng cũng như cơ hội quảng bá nghiên cứu của lab. Vì vậy theo mình hãy ưu tiên những giáo có paper (đều đặn) trên các top conferences. Ngoài ra trong lĩnh vực của bạn đôi khi cũng có những tạp chí chuyên ngành, IF không cao do lĩnh vực quá hẹp, nhưng chất lượng rất ổn. Những giáo/group nổi tiếng thường hay đăng bài ở đó chứ không chạy đua theo IF. Và danh sách Editorial Board của những tạp chí này cũng là những "ông trùm" trong chuyên ngành hẹp.
Kết luận
Trên đây là những phương pháp mình dùng để so sánh năng lực các giáo sư khi xin đi học, cũng như để tìm hiểu xem ai là những nhà khoa học uy tín trong ngành. Khi biết được điều này, bạn sẽ biết được nên tham khảo các công trình nghiên cứu từ đâu. Việc đọc các papers chất lượng cao từ những nhóm nổi tiếng giúp mình mở mang thêm rất nhiều. Chưa kể khi biết được danh sách này, bạn cũng có nhiều sự lựa chọn cho việc liệt kê các reviewers cho bài báo của mình (một số tạp chí yêu cầu bạn phải đề xuất danh sách reviewers). Ngày trước mình cũng đề xuất một nhà khoa học danh tiếng cho bài báo của mình, bài mà mình rất tâm đắc. Sau khi ông review xong, ông đã rất thích phương pháp mình sử dụng. Ông cũng đã liên lạc với mình để có 1 web meeting nhằm trao đổi thêm về nghiên cứu của hai bên. Về sau mình có cơ hội gặp ông ở hội thảo và viết chung 1 paper về topic mà cả hai cùng quan tâm. Với mình, việc đánh giá đúng năng lực của các nhà nghiên cứu / giáo sư là một điều cần có. Khi xin đi học, nếu bạn xin vào được những nhóm tốt, tương lai có thể sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Còn nếu bạn không có được may mắn để vào nhóm nghiên cứu mà bạn mong muốn, nhưng việc cập nhật các nghiên cứu mới từ những nhóm đó là điều bạn nên làm trong suốt quá trình làm nghiên cứu.
P/s: hai giáo hướng dẫn hệ thạc sĩ và tiến sĩ của mình thì mình chỉ đánh giá ở mức trung bình và mức khá/giỏi nếu theo những tiêu chí mình đã kể ở trên chứ chưa đạt được mức xuất sắc hay cực kỳ nổi tiếng. Với mình khi bạn xin đi học, điều quan trọng nhất là giáo đó chấp nhận hướng dẫn và trả tiền lương cho bạn..., bạn nhiều khi không có sự lựa chọn. Đôi khi bạn xin được vào lab của 1 giáo sư nổi tiếng, nhưng giáo đó quá bận, không dành nhiều thời gian cho bạn được thì có thể dẫn đến những kết quả không tốt. Vì vậy mình chỉ chia sẻ để các bạn có những cách đánh giá các giáo sư, biết được nên tin tưởng những nghiên cứu của ai nhằm thuận tiện hơn cho công việc sau này.
Khánh - 02/12/2020
Comments