top of page
Search
Writer's picturekhanhndice

6. Phương pháp tìm thông tin giáo sư

Updated: Feb 13, 2021


Với những thông tin học bổng được chia sẻ qua mạng xã hội từ các thế hệ đi trước, nhiều bạn sinh viên tuy đã đi du học được nhưng những kỹ năng về tìm kiếm thông tin giáo sư, lab, hay học bổng lại không nhiều. Mình đã tiếp xúc với nhiều bạn như vậy, họ không hiểu gì nhiều về giáo sư hay thậm chí trường mình sang đi học như thế nào vì đơn thuần chỉ apply theo phong trào hoặc thấy có cơ hội là đi, hoàn toàn tin tưởng vào người giới thiệu. Điều này đôi khi cũng khá nguy hiểm do chưa thực sự tìm hiểu kỹ các hướng nghiên cứu của giáo, danh tiếng hay địa điểm của trường (rừng rú hay thành phố), mức học bổng phù hợp... Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách tìm kiếm thông tin về giáo, lab, trường thông qua Google. Còn những yếu tố cá nhân khác như tính cách giáo, hay mức học bổng như phù hợp... thì cần có sự trao đổi với những người học ở trường đó để tìm hiểu thêm.


Ảnh minh họa: nguồn Internet


Như đã đề cập ở bài trước, mình không trông chờ được gì từ thông tin của các anh chị tiền bối cũng như thầy cô trong bộ môn, nên mình chủ động tự đi tìm kiếm giáo sư, tìm kiếm lab, tìm kiếm trường để tìm hiểu xin đi học. Vì đã xác định mình sẽ đi châu Á ở hệ thạc sĩ, cụ thể là Hàn hoặc Đài, nên mình đã phải tìm các lab có nghiên cứu về ngành mình ở hai nước này. Phương pháp tìm kiếm rất đơn giản: đầu tiên lên các trang xếp hạng đại học như QS, THE, Shanghai Ranking..., search ra được list các trường đại học hàng đầu. Ví dụ ở Hàn thì ưu tiên vào nhóm SKY, KAIST, Postech, Hanyang, SKKU, KIST, UNIST..., hay ở Đài thì NTU, NTHU, NCKU, NCTU, NTUST, NCU... Dĩ nhiên có nhiều lab ở trường nhỏ hơn cũng rất tốt, nhưng nên khởi đầu với các trường lớn trước. Một phần nguyên nhân là vì các trường này có website tốt hơn, có nhiều thông tin hơn.


Sau khi biết được những trường đại học lớn, lên website từng trường một rồi tìm theo thứ tự: University -> College -> Department -> Prof./Lab. Phần lớn các trường, qua mục Academics hay đại loại thế có thể tìm ra các chương trình về lĩnh vực của bạn. Ví dụ với mình thì tìm Mechanical Engineering hoặc Aerospace Engineering. Thường các chương trình này sẽ có link đến trang web chính của các Department đó. Sau khi tìm được trang chủ của các department mà mình có thể theo học, tìm danh mục Faculty/People để kiếm xem có giáo nào làm về lĩnh vực mà mình yêu thích không. Tại các trường lớn, hầu như giáo/lab nào cũng có website riêng (có cập nhật hay không thì tùy). Qua đó bạn có thể check xem list paper của giáo (thực ra cái này dễ kiếm khi bạn đã biết tên giáo), các hướng nghiên cứu, cơ sở vật chất của lab, và danh sách sinh viên (nếu có). Ở một số lab có người Việt, bạn có thể contact để hỏi thăm môi trường làm việc, tính cách giáo, lương bổng... (nếu không thấy email của bạn đó trên web, thì có thể tìm qua mạng xã hội với keywords là tên, tên trường, tên thành phố...). Nếu như thấy list sinh viên đều là Master-PhD combined thì cũng biết được là giáo này 99% không nhận sinh viên học mỗi thạc sĩ. Hoặc nếu lab có mà chủ yếu là sinh viên quốc tế (nhiều hơn hẳn các lab khác trong khoa, nhất là ở mấy trường lớn) hoặc sinh viên bản địa hầu hết là tốt nghiệp từ các trường khác thì khả năng giáo đó khó tính khá cao, sinh viên bản địa (đã từng học đại học ở trường đó) chủ động tránh. Nói chung khi đã tìm được website của lab, cơ hội để tìm hiểu thêm về giáo sư hay lab đó cũng mở rộng thêm nhiều.


Ngoài việc tìm kiếm giáo/lab từ trang chủ của trường, bạn cũng có thể dùng Google để search các department phù hợp hoặc giáo phù hợp. Ví dụ mình muốn kiếm department of mechanical engineering tại đại học quốc gia Seoul. Keyword để search là "Mechanical Engineering site:snu.ac.kr". Bạn phải biết được đường dẫn đến các website của mỗi trường là như thế nào, để bổ sung vào đường dẫn sau từ "site:". Hoặc kiếm giáo làm về combustion tại trường đại học này, bạn có thể search với keyword tương tự "combustion site:snu.ac.kr". Qua đây, bạn có thể dễ dàng kiếm được khoa/giáo, thậm chí lab làm về ngành mình cần. Nếu bạn muốn kiếm trên toàn bộ Hàn thì chỉ cần đổi đường dẫn thành một cái tên phổ cập hơn như "site:.ac.kr" hoặc "site:.kr". Ở châu Âu, ít trường có đường dẫn là "ac." hay "edu.", thường chỉ có tên miền quốc gia, ví dụ ".de" ở Đức. Ở Mỹ thì các trường đại học lại là ".edu" ở cuối chứ không có ".us" (tên miền này nghe quen quen :)))), nên bạn cần phải tìm hiểu trước khi search. Nhiều trường không có thông tin của các bộ môn thì cũng có thể mò bằng cách sau: nhập từ viết tắt của department của bạn ở trước đường dẫn. Ví dụ tên viết tắt của Mechanical Engineering thường là "ME". Vậy bạn có thể nhập thử đường dẫn "me.snu.ac.kr" trên trình duyệt. Việc lựa chọn từ viết tắt cho mỗi khoa cụ thể thì tùy từng trường, cách này là cách cuối cùng để thử. Với những trường không có website tiếng Anh thì đành tìm bằng cách dùng Google Translate và search từ trang chủ của trường. Phương pháp tương tự cũng có thể áp dụng cho các trường ở khu vực khác như châu Âu.


Nếu như các cách trên không hiệu quả, bạn có thể search thông tin giáo qua paper. Lên một số trang web, tìm paper lĩnh vực của bạn và giới hạn mục affiliation về trường mà bạn muốn tìm hiểu. Tìm kiếm thêm một số bài báo nữa, để biết được ai là giáo sư (luôn có tên trong tất cả các bài trong 1 khoảng thời gian dài). Nếu corresponding author là giáo sư thì tìm tiếp thông tin qua địa chỉ email của tác giả đó. Nếu giáo sư không phải là corresponding author thì tìm keyword tương tự "tên_giáo_sư site:đường_dẫn_đại_học" (ví dụ: Kyoung Doug Min site:snu.ac.kr). Ngoài ra có thể search các presentation của ông ấy qua keyword "tên_giáo_sư filetype:PDF" hoặc "tên_giáo_sư filetype:pptx", hy vọng trong những bài báo cáo đó có email của ông ấy.


Sau khi có email và tìm hiểu được một vài thông tin của giáo, nếu muốn xin vào lab của ông thì contact trực tiếp và nói rõ mong muốn của mình. Hoặc có thể nói dối rằng tao nghe một vài thông tin rằng ông đang kiếm sinh viên thạc sĩ, tôi có hứng thú với những nghiên cứu của ông, ..v..v.. Còn nếu trên trang web của ông có đề cập đến việc đang kiếm sinh viên, thì quá dễ dàng để bắt chuyện rồi. Đây là cách contact trực tiếp giáo sư mà không thông qua bất cứ ai cho những trường hợp không có network, ngành quá hiếm người đi học để giới thiệu, tư vấn... Cách viết email như thế nào thì trên mạng có rất nhiều mẫu. Không nên copy y nguyên những mẫu đó, nhưng cũng nên tham khảo. Khi gửi email, nhớ đính kèm CV (đã được trình bày cẩn thận). Theo kinh nghiệm cá nhân mình, việc có network hay không thì không thực sự quá quan trọng nếu CV bạn tốt. Nhiều giáo (nhất là những bigname ở các trường lớn) có thể sẽ không reply, thì sau độ 1-2 tuần có thể contact lại. Nếu vẫn không trả lời thì nên từ bỏ luôn. Nhiều giáo hứng thú thì họ sẽ reply rất nhanh.


Khánh - 18/11/2020

314 views0 comments

Recent Posts

See All

תגובות


bottom of page