Câu trả lời là GOOGLE. Thông tin trên mạng dĩ nhiên không hoàn toàn đầy đủ và chính xác, chưa kể những thông tin đó còn mang tính chất "cá nhân", nhưng bất cứ ai cũng có thể tự tìm kiếm ra được những thông tin bổ ích cho mình. Ngoài ra nếu bạn có những người quen đã, đang, hoặc sẽ đi du học, bạn cũng có thể có những trao đổi để hiểu rõ thêm một vài thông tin. Tuy nhiên mình vẫn khuyến khích các bạn tự tìm hiểu trước, và chỉ hỏi khi bạn không tìm ra được câu trả lời phù hợp. Bất cứ nguồn thông tin nào cũng có những sai số, nên bạn cần tham khảo nhiều nguồn và có sự chắt lọc để có những thông tin chuẩn xác nhất.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Đối với sinh viên đang đi tìm thông tin du học, theo mình nghĩ những bạn đó tham khảo từ hai nguồn: từ phía các thầy cô và từ phía các anh chị khóa trên đã và đang đi du học. Tuy nhiên với mình thì đây không phải là hai nguồn thông tin chính. Như mình đã từng nói ngành mình không phải là một ngành hot, nên không có nhiều sinh viên xuất sắc như các ngành khác. Ngoài ra cũng không có nhiều sinh viên đam mê với chuyên ngành để tiếp tục theo học sau đại học ở nước ngoài, trừ khi họ làm giảng viên ở một trường đại học nào đó. Vì vậy mình không có hy vọng gì từ nguồn thông tin từ các cựu sinh viên của bộ môn. Về thông tin từ phía các thầy cô, đối với mình đó cũng không phải là nguồn phù hợp. Các thầy cô đã từng đi học tiến sĩ ở nước ngoài, tuy nhiên CV của các thầy cô là hoàn toàn khác biệt so với mình. Thầy cô là những người có học lực giỏi, điểm tổng kết cao, có kinh nghiệm làm việc, có papers, có nơi công tác ổn định, có những ưu tiên lớn cho một vài học bổng, nhất là những học bổng hợp tác. Trong khi mình CV thì kém hơn nhiều, không có công ăn việc làm ổn định, không thể xin du học năm này qua năm khác, chưa nói đến việc không có bất kỳ ưu tiên nào do là ứng viên tự do. Ngoài ra một yếu tố rất quan trọng là bộ môn mình không có thầy cô nào học thạc sĩ ở nước ngoài, không ai đi theo con đường mà mình dự kiến (thực ra bộ môn có 1 thầy từng học thạc sĩ ở nước ngoài, nhưng thầy đã lớn tuổi, thế hệ 5x, và không thực sự phù hợp để chia sẻ kinh nghiệm). Vì vậy thông tin, chia sẻ từ phía các thầy cô hay thế hệ đi trước là không phù hợp với mình. Để có được thông tin, mình phải thông qua những mối quan hệ khác và chủ yếu là từ các thông tin trên mạng.
Ngày trước, mạng xã hội không phổ biến như bây giờ. Các chia sẻ kinh nghiệm du học thường được các bạn post lên các diễn đàn như VietPhD, VSAK, TTVNOL... Ở trên các diễn đàn đó, có rất nhiều chia sẻ từ các anh chị đi trước, và cả những thông tin học bổng mà chỉ người trong cuộc mới biết. Tuy nhiên một số diễn đàn nay đã không còn tồn tại nữa bởi sự phát triển của mạng xã hội. Nhược điểm của các trang mạng xã hội là thông tin không được lưu trữ theo các chuyên mục cụ thể, dẫn đến những post phù hợp dễ bị "trôi". Khi mình tham gia vào các diễn đàn du học, mình tập trung vào các chuyên mục chia sẻ kinh nghiệm du học, thảo luận, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, hoặc các thông tin du học theo từng khu vực cụ thể như châu Âu, Hàn, Đài... Với các chủ đề hot, mình đã tìm đọc rất kỹ từng comments để có nhiều góc nhìn cho 1 vấn đề. Nhiều comments đáng giá từ các thành viên kinh nghiệm cũng được mình lưu lại. Thời đó mình cũng từng hỏi ngu nhiều câu (trên diễn đàn VietPhD, đối tượng hỏi ngu như vậy được gọi là "chã"), nhưng sau mấy câu ngu đó, mình cũng mở mang thêm nhiều.
Một số anh chị đi trước cũng có những trang cá nhân hoặc mở ra một số trang web chia sẻ kinh nghiệm cũng như thông tin học bổng. Một số trang blog cá nhân khá nổi bật như của anh Tùng Kelvin (https://tungkelvin.wordpress.com/), của anh Phạm Minh Sơn (https://sites.google.com/site/phamscience/kinh-nghiem-xin-hoc-bong), hay trang Nguồn Học Bổng của chị Hoài (https://nguonhocbong.com/). Ngoài ra còn nhiều trang khác tổng hợp thông tin (ví dụ: https://sites.google.com/site/hoaibaolonlaogiacmobeti/hoc-bong), bạn có thể tìm kiếm những bài chia sẻ hay các trang web này qua Google. Những thông tin thu được từ những chia sẻ kiểu này giúp bạn biết được con đường du học mình có thể đi, nhưng nó không phải là thông tin học bổng để bạn apply (trừ trang Nguồn Học Bổng). Để có thông tin về học bổng, bạn cần kiếm thông tin từ những nguồn khác.
Thông tin học bổng
Hiện tại các diễn đàn gần như không còn hoạt động hoặc không có post mới do phần lớn mọi thứ đều thông qua mạng xã hội. Những group về du học như VietPhD, học bổng giáo sư Hàn Quốc..., thỉnh thoảng cũng có những thông tin học bổng do các anh chị đi trước chia sẻ lại ngoài những chủ đề về du học thông thường. Thường họ là những người đang làm việc ở trong lab đó, biết giáo có nhu cầu tuyển người, nên share lên cho những ai đang tìm kiếm. Ngoài ra nhiều anh chị đang làm giáo sư tại một số trường đại học ở nước ngoài đăng tuyển sinh viên vào lab của họ. Nhược điểm của các suất kiểu này là nó khiến người tìm bớt chủ động trong việc tìm học bổng, và nếu như bạn học 1 ngành quá độc, thì khả năng có người chia sẻ về học bổng ngành bạn là khá hiếm. Khi đó bạn cần có kỹ năng tự tìm kiếm học bổng. Nếu đã biết ở Hàn học bổng giáo sư là chủ yếu, thì thứ bạn cần biết đơn giản chỉ là tìm được giáo sư ngành mình yêu thích và ông đó có nhu cầu tuyển người. Việc tìm các giáo và contact thì rất đơn giản, mình sẽ chia sẻ trong bài post tới. Còn nếu đã biết nguồn học bổng chính là học bổng trường (ví dụ như ở Đài), thì chỉ cần lên trang web của các trường để tìm hiểu thông tin là xong. Việc contact giáo có thể giúp ích một chút, nhưng sẽ không rõ ràng như ở Hàn.
Nếu muốn xin đi làm tiến sĩ dự án ở châu Âu, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin tuyển dụng trên các trang web như Euraxess, Academic Positions, jobvector... Ngoài ra, trên các trang web chính của các trường đại học ở châu Âu, thường có mục Jobs/Vacancies. Ở đó sẽ có list các vị trí đang cần tuyển người (ví dụ trang web của ETHZ: https://jobs.ethz.ch/). Mình thường lưu các trang đó lại để kiểm tra thường xuyên. Dĩ nhiên mình chỉ lưu các trường có ngành mình mà thôi. Một số nước, thông tin tuyển dụng không chỉ đăng trên trang web của trường, mà lại đăng trên trang web của khoa hoặc lab. Vì vậy bạn cũng nên lưu các lab ngành mình ở các nước khác nhau, và thỉnh thoảng lên web kiểm tra xem có suất nào đang tìm người hay không (ví dụ lab ngành mình ở đại học bách khoa Valencia: https://www.cmt.upv.es/E04_01.aspx). Ở một số quốc gia, có những trang web riêng để đăng tin tuyển dụng như AcademicTransfer ở Hà Lan, jobbnorge của Nauy. Còn ở Ý, hầu hết các trường đều có đợt PhD Call hàng năm, và trên đợt call đó, sẽ có số lượng các suất học bổng PhD và thậm chí có thể có cả thông tin về topic, advisor... (ví dụ thông tin ở đại học bách khoa Milan POLIMI: http://www.dottorato.polimi.it/en/looking-for-a-phd/call-for-positions-and-scholarships/). Ở châu Âu, không chỉ có các trường đại học mới tuyển nghiên cứu sinh, một số viện nghiên cứu hoặc công ty lớn cũng có các vị trí tiến sĩ dự án (thường sẽ kết nối với 1 trường đại học nào đó để cấp bằng), cũng nên tham khảo thêm cả các đơn vị này nữa.
Việc contact trực tiếp giáo sư, researcher tại các trường đại học, viện nghiên cứu cũng được coi là một phương pháp tiếp cận. Khác với Mỹ, việc "tán tỉnh" giáo thông qua email ở châu Âu là không hiệu quả. Việc contact này chỉ với hy vọng giáo có (sắp) có dự án mới, có thể chia sẻ thông tin để mình apply. Còn việc xét tuyển thì vẫn như khi bạn nộp trực tiếp qua trường. Một số bạn CV đẹp thì giáo có thể đề xuất một số học bổng để bạn apply và hứa sẽ support nhiệt tình. Tuy nhiên những vị trí này không đảm bảo bạn sẽ có tiền như các học bổng dự án.
Khánh - 17/11/2020
Bài viết rất chi tiết và hữu ích, tác giả chia sẻ nhiều nguồn thông tin thực tế, giúp người đọc định hướng rõ ràng hơn trong việc tìm kiếm học bổng và chuẩn bị du học!