Trong bài này, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về định hướng đi du học của mình, tại sao mình lại lựa chọn con đường đó mà không phải là con đường khác. Những thông tin ở trong post này là dựa trên những kinh nghiệm của bản thân mình, phù hợp với đối tượng tương tự mình. Với những bạn có CV khác, lĩnh vực khác, những chia sẻ này có khi sẽ không hoàn toàn phù hợp. Mình không phải là 1 sinh viên xuất sắc, nên con đường mình đi nó sẽ gập ghềnh hơn các bạn khác. Với những bạn có CV đẹp, có thể xin được nhiều học bổng danh giá, sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn cho tương lai của mình.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Để đi du học được, theo mình tiếng Anh là điều kiện cần và kiến thức là điều kiện đủ. Còn để xin được học bổng du học (ngành kỹ thuật) thì chuyên môn lại là điều kiện cần, còn tiếng Anh là điều kiện đủ. Để xin được học bổng tốt, bạn cần có cả hai. Trong suốt thời gian học đại học, mình tập trung vào chuyên môn để cải thiện điểm số, hy vọng sau ra trường xin được việc tốt. Tiếng Anh mình học khá muộn, và bản thân mình cũng hứng thú với kiến thức chuyên môn sâu hơn, nên khả năng cải thiện chuyên môn của mình nhanh hơn so với ngoại ngữ. Nếu muốn cải thiện ngoại ngữ, mình nghĩ mình phải dừng việc cải thiện chuyên môn lại, chỉ tập trung vào học tiếng Anh thì may ra. Việc chỉ tập trung học ngoại ngữ cũng đòi hỏi chi phí lớn từ phía gia đình. Gia đình mình không có thu nhập cao, nên mình không dám xin bố mẹ mình "đầu tư" vào việc này.
Như mình đã từng đề cập, ước mơ của mình là Đức, nơi có nền công nghiệp ô tô phát triển. Do thông tin về mỗi Đức quá ít, mà người ta thường chia sẻ châu Âu nói chung, nên mình cũng "bị" thích châu Âu nói chung luôn. Khi nhắc đến du học thạc sĩ tại châu Âu, người ta sẽ nghĩ ngay đến học bổng Erasmus Mundus. Nhiều người cũng bảo mình thích châu Âu sao không xin học bổng này. Nếu bạn nào tìm hiểu kỹ sẽ biết học bổng này có vài actions, action 1 là cho các chương trình thạc sĩ cụ thể, action 2 là dành cho các trường partners tại các nước đang phát triển và cho tất cả các ngành (có thể có action 3 nữa mà mình không rõ). Phần lớn các học bổng thì thường dành cho những ngành mang tầm cỡ "vĩ mô" nhiều hơn, mang tính giúp đỡ các nước đang phát triển nhiều hơn. Vì vậy khi bạn tìm kiếm thông tin các chương trình action 1 của Erasmus Mundus, sẽ thấy có nhiều chương trình về môi trường, sinh học, nông nghiệp phát triển nông thôn, hay thực phẩm, dinh dưỡng... Những chương trình này mở ra với 1 sứ mệnh đào tạo những chuyên gia về các lĩnh vực đó, nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển. Với một ngành công nghiệp nặng như ngành mình, lại là ngành mà xã hội đang muốn loại bỏ để chuyển sang ô tô điện, không có lý do gì họ cấp học bổng cả. Vì vậy xin học bổng Erasmus Mundus Action 1 là điều không thể nếu mình vẫn muốn theo học sâu về ngành cũ của mình (giả sử mình có đủ điều kiện tiếng Anh).
Quay trở lại Action 2, BKHN là 1 trong số các trường partner của học bổng này ở Việt Nam, vì vậy mỗi năm BKHN được 1-2 suất full-time (không rõ bây giờ còn nữa không). Những suất này cho tất cả các ngành, cho sinh viên, cựu sinh viên và giảng viên trẻ của trường. Nói đến đây là các bạn hiểu cơ hội của mình trong học bổng này rồi. Dẫu mình có rank 1st trong ngành hẹp thì điểm tổng kết của mình cũng là con số không so với các bạn rank thấp ở một số ngành khác. Chị mình cũng từng xin học bổng này, với GPA 8.2, cũng rank 1st ngành hẹp, và IELTS 6.0. Vừa nhìn hồ sơ thì chị thu hồ sơ phòng hợp tác quốc tế của trường đã nói luôn là không có cửa xin học bổng này đâu. Năm đó BKHN có 2 suất, 1 cựu sinh viên và 1 giảng viên trẻ nhận được học bổng này. Điều đáng nói là anh cựu sinh viên kia sau này là ... anh rể của mình :D Với điểm tổng kết 8.54 và IELTS 7.5, các bạn có thể thấy được CV của người được học bổng và mình là quá chênh lệch. Các cụ có câu "biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng", nên mình cũng chả dại gì mà lao đầu vào học bổng này.
Học bổng phù hợp với mình là đặt nặng chuyên môn ngành hẹp (không đối đầu với các bạn học giỏi ở các lĩnh vực khác) và tiếng Anh đủ giao tiếp làm việc. Tiếc là để có cả hai yếu tố này, học thạc sĩ ở châu Âu là không phù hợp. Mình không rõ nếu mình có tiếng Anh tốt hơn thì với điểm tổng kết chỉ 7.59, thi lại tới 10 môn, không có bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào..., liệu có có cơ hội nào xin được học bổng toàn phần nào ở châu Âu hay không, nhưng ở thời điểm đó mình thấy châu Á là 1 sự lựa chọn phù hợp hơn với năng lực của mình lúc đó. Giấc mơ đi học châu Âu để dành cho bậc tiến sĩ.
Học ở Hàn hay Đài, tiếng Anh không quá khắt khe vì thời lượng lên lớp không nhiều (cỡ 6 - 8 môn cho thời gian học thạc sĩ). Tiền chi phí sinh hoạt phần lớn từ các dự án của giáo, nên sẽ lên lab làm nghiên cứu nhiều hơn, chỉ trao đổi tiếng Anh chuyên ngành với giáo và bạn cùng lab là chính, vì vậy yêu cầu về mặt ngoại ngữ nhẹ nhàng hơn. Ngoài việc dễ dàng hơn ở đầu vào, được làm nghiên cứu nhiều hơn, sinh viên học thạc sĩ ở châu Á có cơ hội viết paper, điều mà ở môi trường đặt nặng course work như châu Âu rất khó làm được. Điều đáng nói, paper là 1 yếu tố rất quan trọng trong việc xin làm tiến sĩ ở châu Âu. Điểm trừ đáng kể nhất có lẽ là các giáo châu Âu luôn có sự tin tưởng nhất định cho những người học thạc sĩ ở môi trường mà họ hiểu rõ.
Xin đi làm tiến sĩ ở châu Âu thì có nhiều phương pháp, nhưng chủ yếu là 2 cách chính: xin học bổng bên ngoài và contact 1 giáo mình thích nhận cho vào lab (làm research gần như không công), hoặc xin trực tiếp vào làm cho các dự án của giáo, nhận lương như 1 nhân viên bình thường. Cũng như hệ thạc sĩ, sẽ không có chương trình học bổng tiến sĩ lớn nào dành riêng cho ngành mình cả. Nếu muốn chọn theo phương án đầu tiên, mình sẽ phải cạnh tranh với những cao thủ của các ngành khác, và cơ hội mình cũng sẽ gần như bằng không. Vì vậy mình chọn phương án số 2. Ưu điểm của phương án này cũng là ưu tiên kiến thức ngành hẹp và đòi hỏi tiếng Anh không quá rõ ràng. Nếu các bạn kiếm các vị trí kiểu này, thường sẽ thấy họ có 1 dự án cụ thể, đòi hỏi ứng viên chuyên môn sâu ở 1 lĩnh vực để làm việc được ngay. Tiếng Anh thì thường yêu cầu là giao tiếp tốt chứ không rõ ràng về mặt điểm số IELTS hay TOEFL (trừ một số nước/dự án thường có yêu cầu cụ thể hơn). Vì vậy, xin học thạc sĩ ở châu Á và xin tiến sĩ dự án ở châu Âu khá tương đồng, đều đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao và ngoại ngữ đủ dùng (giỏi thì đương nhiên là tốt hơn) - đúng kiểu phù hợp với mình.
Một vấn đề ở châu Âu là nhiều khi các suất tuyển ứng viên tiến sĩ bắt buộc phải đăng công khai dẫu họ đã kiếm được người rồi. Nên nhiều vị trí đăng trên mạng nhưng thực ra không hề có cơ hội cho người ngoài. Hầu hết các giáo sư đã tìm kiếm người phù hợp trong số những bạn học thạc sĩ ở nơi ông dạy, ông tin tưởng về ngôn ngữ, về bằng cấp, cũng như phong cách làm việc. Đôi khi những bạn này không có năng lực quá xuất sắc nhưng nhờ có "mối quan hệ" nên họ được chọn. Những sự lựa chọn kiểu này thì an toàn hơn là tuyển người bên ngoài. Trừ khi họ có 1 ứng viên nào đó bên ngoài vô cùng nổi bật, đánh bại được bạn kia. Với việc tuyển dụng, họ chọn người phù hợp nhất chứ không phải là chọn người giỏi nhất. Việc bạn được chọn không có nghĩa là bạn giỏi hơn người khác, bạn chỉ phù hợp hơn mà thôi. Ở thời điểm mình xin thì mình không thể biết được những vị trí nào đã có ứng viên, nên cứ thấy dự án nào mình làm được thì nộp hết.
Khi xin các suất tiến sĩ theo dự án ở châu Âu, thường họ không yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh, nên khi nộp bạn cần chuẩn bị kỹ càng motivation letter và CV. Nếu bạn có chứng chỉ tiếng Anh tốt thì gửi, còn nếu không thì nên giấu đi. Mình không có tiếng Anh tốt, nên mình đầu tư vào hai cái kia. Nếu hồ sơ mình không hấp dẫn họ (do độ phù hợp chuyên môn, do kinh nghiệm nghiên cứu không đủ, ..v..v..), mình biết rằng mình cần cải thiện CV. Còn nếu CV bạn ổn, họ sẽ hẹn bạn cho buổi phỏng vấn. Đến lúc này, tiếng Anh lại trở nên quan trọng hơn. Nói chung là khi nộp thì CV quan trọng hơn, đến khi được phỏng vấn thì ngoại ngữ lại là yếu tố quyết định. Với những ai không thể cải thiện cả hai thứ đồng thời, thì theo mình nên cải thiện chuyên môn và kinh nghiệm trước. Dẫu bạn có giỏi tiếng Anh như người bản ngữ, nhưng năng lực không đủ thì cũng không thể xin được. Còn nếu may mắn xin được thì cũng sẽ rất khó khăn trong thời gian làm dự án. Mình luôn khuyến khích mọi người có cả hai, nhưng không phải ai cũng có thể làm như vậy. Mình thuộc dạng chỉ khá được 1 thứ, nên mình tập trung vào chuyên môn hơn. Tiếng Anh mình có thể gọi là chỉ vừa tạm đủ.
Trong thời gian làm tiến sĩ ở Bỉ, giáo mình cũng nhận xét rằng tiếng Anh mình chưa tốt, nhưng về chuyên môn thì không có vấn đề gì. Công việc duy nhất trong suốt 4 năm hướng dẫn mình là sửa tiếng Anh và "dịch" những ý tưởng phức tạp trong đầu mình ra những thứ đơn giản cho mọi người cùng hiểu. Thực ra quá trình làm tiến sĩ là thời gian làm nghiên cứu, những phát hiện hay khám phá mới trong trong luận án thì tùy thuộc vào năng lực chuyên môn của người nghiên cứu sinh. Ngoại ngữ là 1 công cụ bổ trợ cho công việc cũng như để "marketing" những kết quả mình tìm ra thông qua các bài báo khoa học. Với những bạn học kỹ thuật điểm số tổng kết không cao nhưng đam mê nghiên cứu, tiếng Anh ổn nhưng không xuất sắc, mình nghĩ con đường mình đi có thể là con đường phù hợp nhất.
Dù vậy, mình vẫn khuyến khích các bạn học tiếng Anh tốt để tăng cơ hội xin đi học thạc sĩ ở châu Âu. Chương trình thạc sĩ ở châu Âu không quá đặt nặng nghiên cứu, mà học rất nhiều môn, trái ngược so với chương trình học ở châu Á. Ở châu Á, thường những môn học phục vụ cho một hướng nghiên cứu nhất định, nên số lượng không nhiều. Ví dụ khoa Cơ Khí ngày xưa mình học, phải chọn định hướng ngay từ đầu tùy vào giáo sư hướng dẫn thuộc lĩnh vực nào (chọn 1 trong 5 hướng). Bạn phải học đủ số lượng môn học bắt buộc (core courses) ở lĩnh vực đó. Các môn này học rất sâu, bổ sung những kiến thức nền nhằm phục vụ cho những nghiên cứu của bạn. Việc học rộng, học nhiều môn ở hệ thạc sĩ tại châu Âu có lẽ một phần vì chương trình đại học ở đó quá ngắn (khoảng 3 năm so với 4 năm ở châu Á), lượng kiến thức từ hệ đại học là không đủ để đi làm, nhất là với dân kỹ thuật mong muốn trở thành kỹ sư. Với mình thì thời gian thạc sĩ là thời gian để học hỏi, để bổ sung kiến thức tổng quát, còn thời gian làm tiến sĩ mới là lúc làm nghiên cứu sâu. Làm nghiên cứu từ sớm thì giúp mình có những chuyên sâu về 1 mảng hẹp, nhưng việc học giúp bổ sung kiến thức nền cho nhiều lĩnh vực. Học nhiều môn giúp sinh viên có background đa dạng, giúp ích cho nhiều loại công việc cũng như làm nghiên cứu sau này. Mình là dạng học ở châu Á, nên kiến thức lẫn kinh nghiệm trong ngành hẹp của mình tốt, nhưng mở rộng ra các lĩnh vực xa hơn thì mình gần như không biết gì. Điều này cũng dẫn đến sự thiếu linh động trong công việc sau này của mình. Giờ đây cũng có nhiều học bổng trường, học bổng vùng ở các nước châu Âu, cơ hội làm thêm cũng có hoặc chi phí cần bổ sung không nhiều do sinh hoạt phí nhiều nước cũng không cao. Học ở châu Á đôi khi cũng khá "nguy hiểm" với các giáo sư khi họ có quá nhiều quyền lực trong việc tốt nghiệp.
Khánh - 15/11/2020
Commentaires