Trong bài chia sẻ trước mình đã nói về những thứ bề nổi và những thứ ẩn đằng sau qua ví dụ của về khí thải của xe hơi với các hệ động lực khác nhau. Mình cũng đề cập đến mấy yếu tố liên quan đến học tập nghiên cứu vì mình nghĩ chắc có nhiều bạn quan tâm đến vấn đề đó. Trong bài này mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về những giá trị vô hình và hữu hình mà mình đạt được cho giai đoạn đi học thạc sĩ tại Đài Loan. Mình đã tốt nghiệp thạc sĩ trước đó ở BKHN và mình đã quyết định đi học lại thạc sĩ với cùng một chuyên ngành tại Đài với hy vọng đi được châu Âu làm PhD. Nhiều người không ở trong hoàn cảnh của mình nên không thể hiểu hết, thậm chí nhiều người còn bảo mình ngu. Mặc dù vậy mình vẫn hài lòng với quyết định của mình, và nếu được lựa chọn lại một lần nữa, mình vẫn sẽ làm như vậy.
Hình minh hoạ: vô hình và hữu hình (nguồn Internet)
Như mình đã từng chia sẻ ở trước, mình sang Đài vì xin PhD job ở châu Âu không được với bằng Ths ở BKHN. Nói qua về những gì mình đạt được với chương trình Ths tại BK: điểm tổng kết 3.8, 10 papers. Dĩ nhiên mấy papers đó không có gì là xuất sắc cả, chỉ có 1 bài trên Scopus thôi. Nhưng ở một môi trường lab chỉ có duy nhất 1 bài Scopus trước đó (của các cán bộ viết), thì với 1 sinh viên thạc sĩ không phải là cán bộ, 1 bài Scopus cũng đã rất hoành tráng ở thời điểm đó rồi. Các bạn học viên khác hầu như chả có bài báo nào. Dĩ nhiên nó có thể không là gì so với những bạn dạng khá ở các trường top (nơi có truyền thống đăng báo), nhưng nói đi nói lại thì bạn vẫn phải so với cái môi trường mà bạn theo học. Bạn không thể đòi hỏi 1 sinh viên thạc sĩ viết hàng loạt paper xịn cho bộ môn, điều mà trước đó bao nhiêu cán bộ đã tốt nghiệp PhD ở nước ngoài về và giảng viên trẻ chưa làm được. Mục tiêu mình là đi ra nước ngoài học những trường top kia, không cần là hàng đầu lab hay gì cả, chỉ cần có những công trình nghiên cứu chất lượng hơn nữa để xin tiếp PhD.
Vì trước khi sang mục tiêu chỉ là bàn đạp đi châu Âu, nên nghĩ sang rồi sẽ chỉ cày, cày và cày. Nhưng bản thân việc cày ruộng cũng cần phải có thời gian tìm hiểu trước rồi mới cày được. Phải tìm hiểu thổ nhưỡng, tìm hiểu lưỡi cày nó ra làm sao, hay con trâu nó tính khí như thế nào để còn phối hợp. Đi học ở một môi trường mới, tìm hiểu thổ nhưỡng cũng như tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, tác phong... của người bản địa. Tìm hiểu lưỡi cày cũng như tìm hiểu các công cụ thí nghiệm/mô phỏng mới. Tìm hiểu con trâu cũng như tìm hiểu phong cách làm việc của giáo sư, bạn cùng phòng lab để phối hợp sao cho tốt. Khi đã quen với cả 3, thì mới có thể "cày" ra được cái gì đó có giá trị. Vì vậy đôi khi người ta dùng những cái hữu hình để đánh giá như diện tích ruộng cày được, hay số lượng bài báo / điểm tổng kết, thì lại không hoàn toàn đúng. Nhiều khi những cái vô hình được đề cập ở trên lại quan trọng hơn.
Xưa học ở Đài, điểm tổng kết mình không cao như hồi Ths ở BK, "số lượng" bài báo cũng không nhiều bằng, thậm chí chả có bài nào Scopus luôn (*)... có vẻ như quyết định đi học lại Ths kia là không chính xác? Nhưng không ai biết những thứ vô hình kia lại giúp mình rất nhiều cho công việc sau này. Những môn học "khó thực sự" giúp mình hiểu sâu hơn (dù không thể hiểu hết), làm nhiều đề tài với nhiều thiết bị, máy móc, phần mềm... khác nhau giúp mở mang kiến thức và kinh nghiệm. Chưa kể các kỹ năng khác như cách làm việc với giáo khó tính, khả năng chịu áp lực cao, các hoạt động ngoại khóa... luôn là những trải nghiệm vô cùng bổ ích và không thể nào quên. Trước khi đi học ở Đài, mình chưa ra nước ngoài lần nào, ù ù cạc cạc. Thời gian ở BK cũng là một dạng "mọt sách" dù mình không phải là người ham học hay ham đọc sách gì cả, chỉ là người không năng động mà thôi. Vậy mà sang Đài, mình "phải" làm trong ban chấp hành hội sinh viên, tham gia tổ chức các hoạt động văn nghệ vui chơi trong Tuần lễ văn hoá Việt Nam tại Đài của trường NCKU, tham gia ... múa văn nghệ trước gần 1000 khán giả ☺️... Những điều này là điều mình không bao giờ nghĩ tới trước khi sang Đài vì chỉ nghĩ 100% dành cho lab mà thôi. Dẫu rằng thời gian dành cho mấy hoạt động ngoại khoá đó cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của mình, nhưng những giá trị nó mang lại thực sự rất nhiều. Sau thời gian ở Đài, mình đã trở nên tự tin và năng động hơn, không còn rù rờ như ngày trước nữa.
Dẫu vậy, những cái hữu hình không phải là không quan trọng. Ví dụ như cái bằng của NCKU cấp, không có nó thì không thể nào đi Bỉ được, và dĩ nhiên không có bây giờ 😁. Về mặt vô hình, thời gian làm Ths ở BK không phải là mình không học được gì, tuy nhiên so với những gì mình nhận được trong khoảng thời gian ở Đài thì không thể so sánh về mặt chuyên môn lẫn cuộc sống. Về mặt hữu hình, bằng Ths BK cũng không phải là không được công nhận về mặt giấy tờ ở châu Âu, cái quan trọng ở đây là công nhận và niềm tin về mặt năng lực (lại chuyển sang vô hình rồi :)))). Cùng là Ths, nhưng nếu bạn tốt nghiệp ở những trường như Havard hay Stanford, chắc chắn sẽ được đánh giá cao hơn những người tốt nghiệp Ths từ các trường nhỏ ở VN chẳng hạn (nếu làm ở cơ quan nhà nước thì bậc lương vẫn như nhau mà thôi 😁).
Nói chung mình đã từng học cùng 1 cấp độ, cùng 1 ngành ở hai nơi khác nhau. Mình thấy đi du học mang lại cho bản thân mình rất nhiều thứ, cả hữu hình và vô hình. Nhiều bạn trước khi đi du học cứ nghĩ đi học mấy trường nhỏ, rank thấp hơn các trường VN thì chả học được gì. Rank trường không nói lên được nhiều điều (ngoại trừ mấy trường top cỡ 20-30). Không phải cứ học trường top là bạn sẽ giỏi hơn so với khi bạn học trường nhỏ (dù về xác suất là có thể đúng). Nhiều trường nhỏ về quy mô dẫn đến rank không cao, hay thậm chí không quan tâm đến rank quốc tế như mấy trường ở Đức (họ có bảng xếp hạng riêng, CHE). Không ai dám bảo chất lượng các trường unrank của Đức không tốt cả. Mình tin là bạn cũng sẽ học được rất nhiều điều khi bạn đi du học bất kể bạn có học ở trường lớn hay nhỏ đi chăng nữa. Chưa kể cơ hội khám phá nhiều nền văn minh khác, cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khoá..., những điều vô hình đó có thể sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn trong cuộc sống và công việc sau này hơn là chỉ mỗi tấm bằng. Mình đã gặp nhiều bạn tốt nghiệp trường nhỏ hơn, hay thậm chí ít bằng cấp hơn, nhưng cách quản lý, độ chuyên nghiệp khi làm việc thì cực kỳ xuất sắc. Khi đi làm rồi, thì cũng chả ai để ý bạn có CV học thuật hoành tráng ra sao, chỉ quan trọng hiệu quả công việc mang lại mà thôi. Cái vô hình mà bạn thu được sẽ quan trọng hơn về sau, còn những cái hữu hình thì lại quan trọng hơn trong thời gian đầu, cụ thể là khi xin việc.
Khánh - 13/7/2021
(*) vừa mới phát hiện ra rằng 1 bài conference của mình trong thời gian ở Đài cũng thuộc Scopus. Điều này không ngờ đến dù conference đó khá to (-_-)
コメント