top of page
Search
Writer's picturekhanhndice

11. Chuẩn bị tìm và xin việc

Updated: Apr 3, 2021


Sau những blog về du học, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm và suy nghĩ của bản thân về giai đoạn tiếp theo, là công cuộc tìm việc và xin việc. Đây là những chia sẻ dựa trên trải nghiệm của mình với ngành nghề mình theo đuổi, ở cấp độ sau tiến sĩ, và ở Châu Âu. Nếu bạn ở những ngành nghề khác, cấp học khác, hay ở nước khác có thể sẽ không còn phù hợp, và cần thay đổi một số thứ để tương thích hơn với hoàn cảnh của bạn. Có nhiều thứ mình sẽ chia sẻ trong bài này, chính mình cũng không làm được trước đây. Nhưng sau đó mình mới nhận ra là nó cần thiết, nên mình cũng đã bổ sung vào. Dẫu xin việc là quá trình khá hên xui (trừ mấy cao thủ xuất chúng + học ngành hot), nhưng có những sự chuẩn bị trước thì dù sao cũng tốt hơn.


Mình sẽ dùng hình ảnh bìa tạp chí ngành mình (Engine Technology International magazine) để minh hoạ cho bài viết này. Như mình đã đề cập trong các bài trước, mình học ngành động cơ đốt trong, và thế giới đang coi nó như là "con ghẻ" cần phải loại bỏ. Mình sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này trong một bài khác. Nhưng vì bị ghẻ lạnh, nên cơ hội xin việc cũng sẽ giảm đi đáng kể trước làn sóng điện hóa như bây giờ.


Nguồn: tạp chí công nghệ động cơ quốc tế


Những trở ngại khi xin việc ở châu Âu

Đầu tiên sẽ đề cập đến những khó khăn với người Việt mình khi xin việc ở châu Âu trước. Theo mình nghĩ có 3 vấn đề lớn khiến quá trình xin việc của mình trở nên khó khăn hơn: giấy tờ lao động, ngôn ngữ, văn hóa và niềm tin của người tuyển dụng.


Mình là người ngoài châu Âu nên không có những đặc quyền về mặt giấy phép lao động. Các bạn bên này có thể làm ở bất cứ nước nào trong khu vực mà không phải lo lắng về khoản giấy tờ. Tuy nhiên mình thì phải có giấy phép lao động mới được làm. Nhiều công ty yêu cầu ứng viên phải có giấy phép lao động trước rồi mới tuyển. Trong khi muốn có giấy phép lao động thì phải có một công ty tuyển và công ty đó bảo lãnh để xin giấy phép lao động (nhiều nước có thể có những chính sách khác biệt đi đôi chút với các loại giấy phép đặc thù). Nói chung đây là một vòng luẩn quẩn, catch 22. Chưa nói vụ được công ty nhận nhưng trả mức lương không đủ cao thì cũng không xin được giấy phép. Nhiều nước có yêu cầu lương tối thiểu cho người nước ngoài rất cao (ví dụ ở Hà Lan và bạn trên 30 tuổi), nên các công ty không mặn mà gì với người nước ngoài, thà tuyển người bản địa để trả lương thấp hơn nhiều. Nếu bạn có thẻ cư trú dài hạn ở các nước trong khối thì việc này sẽ được giải quyết. Nhiều nước sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại đó, bạn có thể đủ điều kiện xin thẻ dài hạn (như ở Thụy Điển), nhưng cũng có rất nhiều nước không thể (ví dụ Bỉ - nơi mình tốt nghiệp). Phương pháp khác để có thẻ dài hạn có thể là kết hôn với người bản địa (giả hay thật thì tùy). Còn nếu bạn có tiền mua luôn được quốc tịch 1 nước nào đó trong châu Âu thì khỏi bàn rồi 😁. Dẫu vậy, có giấy phép không đồng nghĩa với bạn sẽ có việc, nó chỉ giúp mọi chuyện đơn giản hơn thôi.


Trở ngại thứ 2 là ngôn ngữ. Các nước châu Âu không nói tiếng Anh (mình không coi UK là thuộc châu Âu nhé). Vì vậy nếu bạn biết mỗi tiếng Anh thì cơ hội khá thấp (không tính các bạn ngành IT). Nhiều nước thậm chí vô cùng ít job bằng tiếng Anh như Pháp, Đức, Ý... Cá nhân mình thấy những nước yêu cầu ít tiếng bản địa nhất là Hà Lan, Thụy Điển và Phần Lan. Nhiều nước khác cũng có nhiều job không yêu cầu tiếng, nhưng lại không có ngành mình nên mình không quan tâm lắm (ngành mình không phải nước nào cũng có). Một vấn đề nữa là khi bạn không xác định hoặc biết được sẽ đi nước nào để làm việc thì sẽ băn khoăn không biết nên học tiếng gì, vì có quá nhiều ngôn ngữ ở đây. Thậm chí một số quốc gia có tới 3 ngôn ngữ chính thức. Nhưng mình nghĩ nên học tiếng Đức, vì nó khá gần với các ngôn ngữ khác trong châu Âu như tiếng Hà Lan, tiếng Thụy Điển... Một lý do nữa, Đức là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nên có khả năng cao tương lai sẽ có những đối tác đến từ Đức. Việc biết một ngôn ngữ khác trong khối rồi học ngôn ngữ mới sẽ nhanh hơn rất nhiều. Còn với những bạn xác định ở Pháp hay Ý thì nên học tiếng Pháp. Còn không thì học tiếng Tây Ban Nha để đi làm ở ... Nam Mỹ :)) Nhìn chung mấy nước Tây và Bắc Âu có nhiều việc hơn, vì vậy nên học một ngôn ngữ nào đó ở các nước trong 2 khu vực này.


Vấn đề thứ 3 là văn hóa và niềm tin của người tuyển dụng. Văn hóa Á Đông và phương Tây là khá khác biệt, chưa kể VN là một nước xã hội chủ nghĩa, nên nhiều công ty hay các lãnh đạo không thích ứng viên đến từ các nước của đảng cộng sản dẫu rằng công ty đó không phải trong lĩnh vực quốc phòng an ninh gì cả. Tác phong làm việc nhóm, khả năng trao đổi, diễn đạt khác nhau, nhất là những bạn làm hoàn toàn ở trong nước tại những công ty không phải công ty quốc tế. Nếu bạn có kinh nghiệm học tập và làm việc ở các nước trong khối, hay làm việc ở VN nhưng ở các công ty quốc tế lớn, thì họ sẽ tin tưởng hơn nhiều. Ví dụ bạn rất giỏi, làm việc cho VinGroup, một tập đoàn mà mấy bạn bên này không biết thì sẽ không lợi thế bằng bạn nào làm ở Bosch VN chẳng hạn. Hay điều tương tự cũng xảy ra với mấy bạn khối kinh tế tài chính, làm việc ở big four ở VN cũng sẽ được tin tưởng hơn làm việc ở một số ngân hàng (xịn) trong nước chẳng hạn. Nói chung là nên có kinh nghiệm với các đơn vị mà họ tin tưởng, và nếu có khoảng thời gian ở châu Âu thì sẽ càng lợi thế. Còn về mặt chuyên môn, mình thấy người Việt mình rất giỏi, nên không nghĩ đó là một vấn đề nên được đề cập.


Sau khi biết được 3 trở ngại lớn ở trên, nếu bạn có thể tìm cách nào đó để cải thiện trong quá trình học tập và làm việc thì cơ hội sau này sẽ tăng lên. Dù vậy, để xin được việc bạn cần phải có nhiều sự chuẩn bị khác nữa.


Bắt đầu tìm việc sớm

Như mình đã từng chia sẻ về kinh nghiệm hoàn thành nghiên cứu PhD ở blog #9, bạn nên viết paper càng sớm càng tốt. Sẽ tốt nhất là bạn có được ít nhất 1 bài báo trước khi kết thúc năm thứ 2. Sau khi có 1 bài làm vốn, bạn sẽ thoải mái hơn trong giai đoạn tiếp theo. Và bắt đầu từ năm thứ 3 (của chương trình PhD 4 năm), hãy bắt đầu đi tìm việc. Tìm ở đây không phải là để nhảy ra ngoài, mà là để điều tra thị trường trước. Nên nhớ nhà tuyển dụng nắm đằng chuôi, nên mình phải thay đổi để làm theo những gì họ cần thay vì làm những gì mình muốn. Có thể tìm qua mấy trang quen thuộc như LinkedIn, Indeed, StepStone, Monster... hay các website chính thức của các công ty. Do số công công ty có nghiên cứu phát triển động cơ không nhiều (chỉ 1 số ít công ty ô tô lớn, hay công ty xe tải, tàu thủy), nên danh sách công ty có làm cái mảng của mình khá ít, dễ dàng lưu thông tin. Với mấy bạn ngành phổ cập hơn như IT, kinh tế... thì có quá nhiều công ty có việc đó, nên việc lưu thông tin công ty cụ thể như mình chắc không khả thi. Ngoài ra mình cũng tìm hiểu các công ty consultant về những mảng liên quan với mình, để thỉnh thoảng tìm kiếm thông tin tuyển dụng.


Sau khi tìm một thời gian, bạn sẽ thấy họ thường yêu cầu những thứ gì nhiều nhất. Ví dụ cần kỹ năng thí nghiệm, kỹ năng tinh chỉnh (cho vị trí calibration engineer), hay một số phần mềm cụ thể cho vị trí mô phỏng... Sau khi nắm sơ qua thị trường công việc, bạn biết cần cải thiện những gì trong 2 năm cuối. Dĩ nhiên vẫn phải tiếp tục với sự nghiệp PhD, nhưng hoàn toàn có thể "lái" sang hướng mà mình có cơ hội cải thiện các kỹ năng mà công nghiệp cần. Đi làm công nghiệp hầu như không cần dùng đến những kiến thức hàn lâm, những kiến thức rất cơ bản mà bạn thu được trong thời gian làm PhD, mà chủ yếu là từ những kỹ năng mà bạn tích lũy được. Những kỹ năng đó bao gồm kỹ năng nghiên cứu độc lập, kỹ năng trình bày, kỹ năng báo cáo, kỹ năng suy nghĩ sáng tạo... Vì vậy, nếu bạn cải thiện được các kỹ năng, các phần mềm mà công nghiệp thường dùng, cơ hội cũng sẽ cao hơn.


Thậm chí qua quá trình tìm việc, bạn thấy có nhiều công việc ở một quốc gia nhất định, thì có thể học 1 ít tiếng của nước đó trước. Tìm cách kết nối với hội sinh viên VN ở đó, để tham khảo các bài chia sẻ tìm việc từ các cựu sinh viên đã tốt nghiệp. Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, vì vậy nên có sự tìm hiểu trước về thị trường này. Còn nếu bạn có thể tìm được mối hợp tác nghiên cứu với 1 trường đại học của nước đó, thì cũng nên triển khai. Có network với một đơn vị nào đó ở nước sở tại, sau này có thể cho vào danh sách references thì cũng là 1 điểm cộng vì nhiều nơi họ ưu tiên những references đến từ quốc gia của họ. Còn nếu có cơ hội làm trao đổi hay thực tập tại nước đó thì quá tuyệt rồi, sẽ có nhiều lý do để thể hiện sự yêu thích của mình với môi trường sống ở đó.


Chuẩn bị CV và cover letter cẩn thận

Nhiều người chỉ có 1 CV và 1 template cover letter duy nhất cho tất cả các vị trí. Với mình thì nên sẵn sàng sửa CV và cover letter cho từng vị trí cụ thể. Nhiều quốc gia có nhiều tiêu chuẩn khác nhau về CV. Nhiều nơi không chấp nhận CV có ảnh, nhiều nơi thì ok. Vì vậy với mình thì mình chuẩn bị sẵn CV không có ảnh để có thể nộp khắp nơi. Thực ra nếu mặt mình đẹp thì chắc cũng chèn ảnh vô rồi :)))


CV xin việc khác với CV học thuật, cần màu mè hơn và không nên đề cập đến thành tích như kiểu các bài báo, học bổng... Thay vì đó, hãy tập trung vào những gì bạn đã làm, có giải thích kỹ hơn về những phần mềm hay công cụ bạn dùng trong công việc đó. Phần Education cũng không cần quá kỹ như tên luận án/luận văn là gì, giáo nào hướng dẫn, điểm tổng kết bao nhiêu, chỉ cần tên trường, tên ngành, năm tốt nghiệp là đủ. Có chăng nếu có rank cao thì đề cập thêm vào. Mục Skills nên để nhiều thứ vào, nhất là mấy thứ mà job description đề cập, tránh hiện tượng bị loại ngay từ vòng đầu bởi máy lọc CV (ở các công ty lớn không lọc CV bởi HR). Nếu có thêm các hoạt động ngoại khóa, cũng nên đưa vào để chứng tỏ mình là người năng động. Một số thông tin như sở thích, tình trạng hôn nhân, năm sinh... thì tùy nước và tùy độ dư không gian của CV mà xem xét có nên đưa vào hay không. Nếu có đưa vào, thì cũng phải chọn lọc 1 tý. Ví dụ sở thích, bạn có thể đưa những sở thích mà nó phần nào thể hiện được điểm tốt trong con người của bạn. Như mình thì mình đề cập jigsaw puzzle vào sở thích (mình cũng thích thật). Thường những người chơi trò này có tính quan sát tốt, kiên trì..., và đó đôi khi phù hợp với vị trí tuyển dụng. Với những job cần đi lại nhiều, bạn có thể đưa sở thích đi du lịch vào, và khi đó bạn sẽ có lợi thế. Những vị trí đó, nếu bạn ghi tình trạng hôn nhân là độc thân thì sẽ tốt hơn. Còn nếu đã có gia đình, thì nên tránh, không nên đề cập vào. Đến khi phỏng vấn, nếu họ hỏi thì nói ra. Hay như năm sinh, ở Hà Lan có mức lương yêu cầu cho người trên 30 tuổi khác hẳn, nên cũng nên đưa vào. Nếu họ thấy bạn trên 30 tuổi mà vẫn hứng thú, thì họ hẹn phỏng vấn. Còn nếu họ biết rằng cần trả lương cao để tuyển bạn và họ không thể chi trả nổi, họ có thể loại bạn luôn ngay từ đầu, đỡ mất thời gian cho cả hai.


CV thì nên ngắn gọn, súc tích, và chỉ nên tối đa 2 trang. Như mình thì chỉ cho 1 trang cho tiện, và nên có 1-2 câu mở đầu giới thiệu qua về mình (ngay dưới phần tên ở CV), nói qua về những kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trước khi đi vào từng mục như Education, Work Experience, Skills... Mình cũng ưu tiên làm CV theo dạng 2 cột lệch, 1 cột có ít thông tin hơn như education, skill thì cho vào cột bé. Cột lớn là dành cho phần kinh nghiệm làm việc của mình (cần có không gian để giải thích công việc mình làm).


Cover letter thì nên chuẩn bị sẵn cấu trúc, nhưng phải có 1 đoạn văn dành riêng cho từng vị trí cụ thể (tương tự mục thân bài). Phần mở đầu và phần cuối thì có thể cố định, chỉ sửa tên vị trí mình nộp mà thôi. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì cover letter phải hơi "chảnh chó" một tý :)) Nhiều vị trí yêu cầu có cover letter, nhưng khi phỏng vấn toàn hỏi cái trong CV thôi, nên nhiều khi mình cũng không rõ tầm quan trọng của cover letter cho lắm. Dù vậy cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo nhất định.


Lập một website riêng

Ngoài ra thì mình nghĩ nên lập một website riêng để chia sẻ sâu hơn về kinh nghiệm của bản thân. CV chỉ có 1-2 trang, không thể nào nói rõ được, CV chỉ nên tập trung vào cái họ cần như trong job description thôi. Nếu có website thì nên làm cẩn thận, bắt mắt và kỹ càng hơn. Vì người Việt mình có tính khiêm tốn, nên đôi khi làm rất nhiều mà không dám viết ra hết vì có những thứ mà bạn nghĩ là mình làm quá ít, không đủ để đưa vào. Theo mình thì kể cả nhiều thứ nhỏ, thậm chí bạn quên rồi nhưng cũng nên đề cập đến (nếu cần). Đến khi được hẹn phỏng vấn thì tìm hiểu lại cái mình đã từng làm đó để nếu có hỏi thì vẫn trả lời được. Việc mình đưa cái đó vào hoàn toàn là đúng, không phải nói dối. Chỉ là mình nghĩ nó nhỏ, lâu không làm lại nên quên, chứ thực ra đó vẫn là 1 kinh nghiệm mình đã từng có. Bản thân mình lập website này cũng là để xin việc hay PR bản thân với bộ phận tuyển dụng các công ty là chính, nhưng sau thấy lâu lâu không có updates gì thì chán, nên lập mục Blog chém gió chơi :))


Xin việc công ty lớn hay nhỏ?

Thực ra mục này chỉ là phần bổ sung, khi xin việc thì đôi khi mình không có sự lựa chọn, nhất là khi xin việc lần đầu tiên. Ưu nhược điểm khi làm công ty lớn và công ty nhỏ thì đã khá rõ ràng rồi nên mình không đề cập ở đây. Nếu bạn có sự lựa chọn (xin được 2 cái cùng lúc), thì tùy định hướng của bạn mà chọn lựa. Với mình thì nếu bạn chưa rõ được hướng công việc mình theo đuổi hoặc vị trí công ty lớn không quá hấp dẫn, thì nên làm việc cho công ty nhỏ trước dẫu lương có thấp hơn đôi chút. Khi làm công ty nhỏ, bạn sẽ phải làm nhiều thứ linh tinh chứ không gắn bó hoàn toàn với vị trí bạn được nhận. Đôi khi trong quá trình làm, bạn thấy được sự hấp dẫn từ những lần bạn làm mấy thứ linh tinh đó thay vì công việc chuyên môn của bạn. Nếu bạn làm ở công ty lớn, chuyên môn hóa cao hơn, bạn không có cơ hội để tìm ra cái mà mình thực sự hứng thú. Làm nhiều thứ cũng giúp bạn sau này có nhiều kinh nghiệm khác nhau (dẫu không thành 1 chuyên gia cho 1 mảng nhất định được), có thể có nhiều sự lựa chọn để xin việc về sau ở các công ty lớn.


Một số người đề ra tiêu chuẩn về công việc mà bạn nên nhận bao gồm tiền lương + công việc hay + danh tiếng. Được 2 trên 3 tiêu chí trên thì nên nhận việc. Theo mình thì ở công việc đầu tiên, nhiều khi bạn chỉ cần 1 trong 3 thứ ở trên, nhưng phải có thêm 1 yếu tố: cơ hội học hỏi. Nếu bạn có cơ hội được bổ sung kiến thức kinh nghiệm, sau này khi xin việc mới bạn có thể kiếm việc có các yếu tố còn lại. Chấp nhận hy sinh 1-2 năm để cải thiện (và mở rộng) chuyên môn rồi tìm được một vị trí phù hợp ở công ty lớn hơn thì mình nghĩ cũng đáng. Các công ty nhỏ cũng ít thu hút hơn với các ứng viên xuất sắc do danh tiếng thường kém hơn + lương bổng đãi ngộ không cao, nên cơ hội với những người bình thường như mình đôi khi cũng cao hơn (nhược điểm là ít tuyển người hơn).


Kết luận

Trong nhiều thứ mình chia sẻ ở trên, mình cũng đã không làm được vài thứ như việc học tiếng, tạo network..., nhưng mình cũng đã may mắn xin được công việc đầu tiên ở 1 công ty nhỏ tại Thụy Điển. Cũng may giáo mình chuyển sang công tác 50% ở TĐ, nên việc tạo network là không cần thiết nữa 😁. Công việc này đáp ứng được 2.5 điểm theo 3 tiêu chí ở trên (chỉ là lương không quá cao, còn lại thì công việc hay + công ty có danh tiếng cho giới trong ngành). Mặc dù vậy mình cũng đã xin việc mới sang một công ty lớn hơn (Volvo Cars, cũng ở Thụy Điển luôn) vì nhiều lý do. Ngoài vấn đề lương bổng, làm việc công ty lớn có nhiều ưu điểm về mặt cơ sở vật chất phục vụ quá trình nghiên cứu phát triển, nhiều đồng nghiệp giỏi, đội ngũ nhân lực đông. Công việc mới cũng có tương lai tươi sáng hơn, nên mình đã quyết định chuyển. Cũng nhờ những kinh nghiệm tích lũy ở công ty nhỏ này mà mình có cơ hội xin được việc mới. Công việc đầu tiên là công việc mà mình không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác ở thời điểm đó (may sao nó vẫn tốt), nhưng với lần này mình đã có nhiều sự lựa chọn hơn vì mình không phải vội như xưa. Có thể chọn những thứ mà mình thực sự thích, có tương lai hơn và có lương bổng ổn (chí ít là so với công việc hiện tại). Thời gian làm việc của mỗi người trung bình là hơn 30 năm, vì vậy 1-2 năm đầu ở một nơi chưa thực sự hoàn hảo không phải là 1 vấn đề lớn, quan trọng là nó mang lại cho bạn những cơ hội để cải thiện tương lai về sau.


P/s: theo quan điểm của mình thì nếu ai muốn tăng cơ hội xin việc thì chỉ nên dừng ở bằng thạc sĩ. Dĩ nhiên tiến sĩ cũng có đất để làm, nhưng số lượng job ít hơn nhiều, thường các công ty lớn mới có. Với bằng tiến sĩ nhiều khi các công ty cho rằng overqualified dù đôi khi không phải thế.


Khánh - 02/04/2021

168 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page