Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng từng trải qua những thời điểm phải đưa ra những sự chọn lựa cho một vấn đề nào đó, và du học cũng vậy. Nó trải dài từ có nên đi du học hay không cho đến nên chọn đi học nước nào, chọn trường nào, chọn giáo nào... Mỗi sự lựa chọn về sau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau, có thể tốt và có thể không tốt, nhưng với mình bất cứ sự lựa chọn nào cũng mang lại những mặt tốt nhất định. Sẽ khó nói cái nào tốt hơn cái nào, nhưng mình sẽ chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân mình.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Du học hay học (trường quốc tế) trong nước giỏi hơn?
Đây là câu hỏi đầu tiên mà hầu như ai có ý định đi du học cũng sẽ phân tâm. Với mình đi du học là 1 trải nghiệm đáng quý. Ở đây là trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa, tác phong học tập và làm việc... chứ không đơn thuần chỉ là kiến thức trên trường lớp. Nếu xét về kiến thức thu được thì cũng có những sự khác biệt nhưng chủ yếu là do các yếu tố bên lề.
Với mình kiến thức từ chương trình học ở nước ngoài không hơn nhiều (thậm chí có phần ít hơn) so với nhiều chương trình đào tạo trong nước, hoặc ít ra là so sánh với chương trình học đại học ở BKHN. Kiến thức là những thứ đã được đúc rút sau hàng trăm năm, và nó đã được công bố rộng rãi. Nói chung là bạn đi học những cái đã cũ. Một khi đã cũ thì ở VN hoàn toàn có thể tiếp cận được thông qua sách báo trong nước, sách tiếng Anh hay các tài liệu học mở. Sự khác biệt có lẽ nằm ở phương pháp giảng dạy và sự tự giác của người học. Ở các trường quốc tế, phương pháp giảng dạy có vẻ tốt hơn so với các trường công lập cũ kỹ và tiến gần hơn với các nước phát triển. Tuy nhiên môi trường học vẫn như cũ, bạn bè vẫn hầu hết là sinh viên VN, tính tự giác trong học tập không cao. Vì ở VN vẫn đặt nặng điểm số, thậm chí điểm số của con cái còn là "trang sức" của bậc phụ huynh, nên sự đua tranh về điểm số vẫn rất lớn. Điều này dẫn đến những hành động gian lận trong thi cử, sao chép, không chú trọng vào học thật nhất là khi bạn bè xung quanh mình đều như vậy. Khi đi du học, mình thấy các bạn nước ngoài học thật hơn sinh viên VN mình. Khi thi cử, rất ít khi có ai (dám) quay cóp, hỏi bài người khác... Nếu họ không học cẩn thận, làm không được thì họ sẽ ra về sớm chứ ít khi nán lại để chờ đợi sự giúp đỡ từ ai đó. Ở trong một môi trường như vậy, bạn cũng phải đi theo khuôn khổ, và điều đó giúp rèn luyện sự nghiêm túc trong học tập và thi cử của bản thân rất nhiều.
Nhiều chương trình đào tạo trong nước có thể không được cập nhật nên có phần hơi cũ, nhưng đều là kiến thức nền tảng. Những kiến thức mới hoàn toàn có thể tự học, tự tìm hiểu. Khi đi học ở nước ngoài, các thầy cô cũng chẳng dạy bạn 100% kiến thức, mà chỉ lên lớp với hàm lượng sơ sơ, lượng kiến thức tự học là rất nhiều. Một khi đã tự học thì đâu cũng giống nhau khi có internet (có thể đôi chút khác biệt khi ở VN không dễ tiếp cận các nhà xuất bản khoa học). Ngoài ra các chương trình đào tạo cũ của VN đều dùng tiếng Việt, dẫn đến nhiều sinh viên không có thói quen tìm với từ khóa tiếng Anh. Điều này khiến nguồn thông tin bị giới hạn, và đôi khi có phần sai sót.
Kết luận lại, mình thấy về hàm lượng kiến thức thì đâu cũng như nhau, chỉ khác ở thái độ học tập thi cử, tính tự học của sinh viên cũng như phương pháp giảng dạy của giáo viên. Những cái khác biệt này có ảnh hưởng khá đáng kể đến người học sau này, nên mình luôn ủng hộ việc du học. Dù vậy việc nên đi hay không thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác chứ không chỉ đơn thuần học ở đâu tốt hơn là đi. Nhiều yếu tố như sức khỏe, mối quan hệ, gia đình, tài chính, khả năng hòa nhập môi trường mới, kiến thức nền tảng, ngoại ngữ... cũng là những thứ cần xem xét khi bắt đầu lựa chọn đi du học hay là không.
Đi du học nước nào, trường nào?
Một khi đã quyết định đi du học, việc tiếp theo là phải chọn nơi mình sẽ theo học. Như mình đã đề cập ở trước, học ở đâu cũng tốt nếu bạn có thái độ nghiêm túc với nó. Ở VN thì nhiều người không rõ về các trường nước ngoài lắm (trừ các trường rất nổi tiếng), nên thường họ chỉ đánh giá theo quốc gia đó lớn hay là không. Vì vậy học ở những nước lớn như Mỹ, Úc, Anh, Nhật, Pháp... nghe sẽ "ha oai" hơn. Nhiều người chọn nước học cũng vì ngôn ngữ sử dụng ở các quốc gia đó nữa, vì vậy những nước nói tiếng Anh thường được ưu tiên, nhất là bậc đại học. Ở các nước khác, chương trình sau đại học sử dụng tiếng Anh nhiều hơn, nên sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn. Với mình nếu học hệ đại học hoặc thạc sĩ thì nên chọn những trường đại học lớn, rank cao trên bảng xếp hạng QS. Bảng xếp hạng QS đánh giá việc giảng dạy cao hơn, nên với những hệ "học nhiều" như đại học và thạc sĩ thì nên xem xét. Các bảng xếp hạng khác như THE hay Shanghai thì dựa trên nghiên cứu nhiều hơn QS (ở Mỹ thì dựa theo US News ranking cho hệ sau đại học theo nhóm ngành). Vậy nếu đi học lên tiếp bậc tiến sĩ (nghiên cứu là chính) thì nên dựa theo THE và Shanghai ranking? Câu trả lời của mình là tùy.
Nhiều người thường nói ở hệ tiến sĩ, chọn giáo quan trọng hơn chọn trường. Ý ở đây là ở những trường có danh tiếng kém hơn, nhưng giáo nổi tiếng hơn so với trường lớn thì nên chọn trường nhỏ. Mình đồng ý với ý kiến này nếu như bạn có ý định theo nghiệp giảng dạy nghiên cứu sau khi tốt nghiệp. Làm với những giáo nổi tiếng sẽ được lợi nhiều thứ từ danh tiếng giáo, network giáo có, paper xịn, hay đội ngũ cựu sinh viên hùng mạnh. Những yếu tố này giúp bạn có nhiều cơ hội xin được vị trí giảng dạy ở các trường đại học. Đi làm công nghiệp cũng có thể là 1 lợi thế nếu như bạn xác định gắn bó với ngành đó cả đời hay giáo đó có network rộng với công nghiệp chứ không thuần làm nghiên cứu hàn lâm. Còn nếu bạn không chắc về tương lai nghề nghiệp của mình thì tốt nghiệp trường lớn sẽ có lợi hơn. Khi bạn đi làm một thời gian và chuyển ngành, sẽ không ai biết giáo bạn là ai, thì khi đó danh tiếng trường sẽ rất có lợi. Dĩ nhiên các giáo trường danh tiếng sẽ không bao giờ kém cả, chỉ là có thể không nổi bằng một vài giáo ở trường nhỏ hơn thôi. Vì vậy mình nghĩ không nên lo lắng về giáo khi bạn chọn trường lớn. Điển hình như ngành mình, giáo trường Lund nổi tiếng hơn hẳn giáo của Oxford. Nhưng khi ra khỏi ngành mình hay ra khỏi EU, có khi nhiều người còn chả biết trường Lund là trường nào. Nhưng Oxford thì ai cũng biết, và luôn được đánh giá cao.
Chọn giáo già/trẻ, nổi tiếng hay không nổi tiếng?
Đây cũng là một câu hỏi nhiều người phân tâm ở bậc tiến sĩ. Ở đây bỏ qua danh tiếng của trường, cứ giả sử là ở cùng một trường có nhiều giáo làm chung một lĩnh vực. Làm với giáo nổi tiếng (thường là giáo lớn tuổi), giáo trung niên hay giáo trẻ đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Giáo nổi tiếng thì có ưu điểm về mặt network, paper, labmates giỏi..., tuy nhiên thời gian trao đổi chuyên môn với giáo sẽ ít vì giáo rất bận. Nhiều giáo sau khi đã "no nê" với giải thưởng, papers... thì động lực làm nghiên cứu cũng tụt xuống, ít quan tâm đến sinh viên - là những người viết báo cho ổng. Nếu bạn là người chủ động trong công việc thì có thể làm được, nhưng cũng sẽ nguy hiểm nếu gặp những giáo bỏ bê sinh viên quá nhiều (dù là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan).
Với mình thì những giáo trung niên (từ 35 đến 50 tuổi) là lựa chọn phù hợp nhất. Họ có sự cân bằng giữa kinh nghiệm, danh tiếng, động lực nghiên cứu, thời gian dành cho sinh viên... hơn cả. Cũng sẽ có những giáo trong độ tuổi này nhưng đã thành bigname, nhưng thường với độ tuổi dưới 50, họ vẫn còn nhiều đam mê hay có nhiều tham vọng khác. Còn với những giáo dưới 35 tuổi, mới tốt nghiệp tiến sĩ được vài năm thì lại có những thứ ngược lại với giáo lớn tuổi như nhiều thời gian với sinh viên, đam mê nghiên cứu mãnh liệt..., nhưng kinh nghiệm còn ít, ít tiền và danh tiếng chưa có nhiều. Với những ai muốn có nhiều sự "kèm cặp" từ giáo, thì giáo trẻ là một lựa chọn phù hợp để thúc ép bản thân.
Chọn nghiệp giảng dạy hay đi làm công nghiệp?
Câu hỏi này cũng nhiều người phân tâm khi (sắp) tốt nghiệp tiến sĩ. Với mình thì cái này tùy thuộc vào sở thích, khả năng, cũng như tương lai của ngành bạn học. Ví dụ như mình thì mình chắc chắn không theo được nghiệp giảng dạy (ở các nước phát triển) do tiếng Anh mình không giỏi. Nếu có giỏi thì mình cũng ra công nghiệp do mình không thích giảng dạy một nội dung trong 30 năm tiếp theo của cuộc đời. Dĩ nhiên nội dung sẽ có những cập nhật, nhưng kiến thức nền (70-80% lượng kiến thức) thì vẫn như vậy. Còn vấn đề về tương lai ngành mình nữa, trong tương lai sẽ có ít người học hơn, sẽ khó xin fund hơn..., với những lý do đó thì mình biết sẽ an toàn hơn nếu đi làm công nghiệp. Với nhiều ngành mà cơ hội làm công nghiệp không nhiều thì nhiều người cũng phải tìm cách để đi theo con đường còn lại. Theo mình nếu muốn ra công nghiệp thì nên ra sớm nhất có thể (hạn chế thời gian làm postdoc), và cần có sự chuẩn bị sớm trước một thời gian để tăng cơ hội xin việc sau này. Mình sẽ có chia sẻ về kinh nghiệm tìm việc và xin việc của mình trong post tới.
Với nhiều người, trên đời này đôi khi bạn không có (nhiều) sự lựa chọn. Ví dụ bản thân mình, mình không có sự lựa chọn nào khác cho học thạc sĩ ở Đài Loan trong năm đó do mình chuẩn bị hồ sơ hơi muộn, chỉ nộp mỗi một trường (chỉ có sự lựa chọn là đi hay là không). Cũng may đó là trường mình thích nhất. Khi chọn giáo hướng dẫn cho hệ thạc sĩ, mình cũng chọn giáo như tiêu chí ở trên thay vì một giáo nổi tiếng hơn. Cũng may mình không chọn giáo lớn tuổi kia, vì năm đó giáo ấy có quá nhiều bạn xin vào, nên phải share bớt sang lab của giáo mình :)) Khi đi làm tiến sĩ ở Bỉ, mình cũng không có sự lựa chọn. Thời điểm đó, giáo nào chấp nhận trả tiền nuôi mình đầu tiên ở là mình đi. Cũng may giáo đó nằm trong nhóm trung niên kia (dù về ngoại hình thì ông trông rất trẻ), nên cũng có sự cân bằng giữa chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian và cả danh tiếng nữa. Đôi khi không có sự lựa chọn cũng hay, đỡ phải suy nghĩ quá nhiều và sau này lỡ có hối tiếc điều gì đó thì không phải nói câu "giá mà ngày xưa mình chọn cái khác thì bây giờ đã ...".
Khánh - 22/01/2021
Comments